"Nóng" phí bảo trì nhà chung cư
"Với số tiền 2% này cư dân sử dụng hiệu quả, biết cách quản lý có thể 40-50 năm sau mới hết. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hiệu quả chỉ tầm 10 năm đã hết sạch và người dân lại phải đóng thêm".
- 11-10-2015Cư dân N05 "đòi nợ" Vinaconex 70 tỷ phí bảo trì
- 28-07-2015TPHCM: “Nóng” chuyện 2% phí bảo trì chung cư bị chiếm dụng
- 25-07-2015Vẫn tranh chấp hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì
Tóm tắt
Nhiều chủ đầu tư và cả ban đại diện của cư dân cũng bày tỏ lo lắng về việc Ban quản trị tòa nhà sẽ tự ý chi tiêu quỹ bảo trì tòa nhà, trong khi số quỹ này ở một số tòa nhà rất lớn, lên tới vài chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khẳng định về nguyên tắc “tiền của ai người đó quản”, số tiền này vẫn sẽ giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Tại Tọa đàm góp ý cho bản dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư do Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 16-10 tại Hà Nội, nhiều khúc mắc trong vấn đề quỹ bảo trì nhà chung cư đã được đưa ra.
Theo Điều 36 tại dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi Ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư. Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên.
Bàn luận về vấn đề này ông Nguyễn Như Vinh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Thành cho biết: "Khoản phí bảo trì 2% nhiều chung cư còn lúng túng trong quá trình sử dụng. Với số tiền 2% này cư dân sử dụng hiệu quả, biết cách quản lý có thể 40-50 năm sau mới hết. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hiệu quả chỉ tầm 10 năm đã hết sạch. Khi đó, người dân lại phải đóng góp tiếp. Vì vậy, vấn đề tư vấn cho cư dân sử dụng số tiền này như thế nào hợp lý cũng rất cần thiết".
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) thì lại cho rằng: "Để đảm bảo số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng hiệu quả và an toàn đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng nên bao gồm 1 người của chủ đầu tư và 2 người của ban quản trị tòa nhà để phòng trường hợp rủi ro thành viên trong ban quản trị tòa nhà có thể 1 lúc nào đó bán nhà và không ở tòa nhà nữa".
Tại buổi hội thảo đại diện các chủ đầu tư và cả ban đại diện của cư dân cũng bày tỏ lo lắng về việc Ban quản trị tòa nhà sẽ tự ý chi tiêu quỹ bảo trì tòa nhà, trong khi số quỹ này ở một số tòa nhà rất lớn, lên tới vài chục tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khẳng định về nguyên tắc “tiền của ai người đó quản”, số tiền này vẫn sẽ giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc sử dụng số tiền này đúng mục đích, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư lần này quy định rất cụ thể, chặt chẽ về việc chi tiêu tài chính của Ban quản trị. Trong đó, đảm bảo có đủ các loại giấy tờ chứng minh theo quy định thì ngân hàng nơi Ban quản trị mở tài khoản mới cho phép rút tiền. Hội nghị nhà chung cư cũng sẽ quyết định với số tiền bao nhiêu thì Ban quản trị sẽ được rút tiền mặt để chi trả, từ mức bao nhiêu thì sẽ phải chuyển khoản cho các đơn vị.
Ông Khởi cũng cho biết, tài khoản quỹ bảo trì sẽ do Ban quản trị đứng tên, số lượng người đứng tên chủ tài khoản (1, 2 hay 3 người trong Ban quản trị) sẽ do Hội nghị nhà chung cư bàn bạc và quyết định. Liên quan đến hoạt động của Ban quản trị, ông Khởi cho biết, trong quy định về biểu quyết của Ban quản trị, việc rút tiền kinh phí yêu cầu phải đảm bảo 100% thành viên Ban quản trị biểu quyết mới được phép tiến hành.