MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ông lớn” bất động sản dồn dập đầu tư vào tỉnh lẻ

Sự ấm lên của bất động sản không dừng lại ở Hà Nội hay Tp.HCM mà đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Trong đó, những khu vực có thị trường du lịch, nghỉ dưỡng phát triển đang là "tâm điểm" đầu tư của nhiều "ông lớn".

Tóm tắt:

- Thị trường BĐS đang ghi nhận một làn sóng mới đầu tư vào các đô thị loại 1, có tiềm năng phát triển mạnh thời gian tới. Những thành phố có tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng được quan tâm hơn cả.

- Động thái đầu tư này đến từ các "ông lớn" đã có uy tín trên thị trường như Vingroup, Sun Group, BRG, CEO Group, FLC Group,...


Năm 2014, các đại gia bất động sản rầm rộ khai thác thị trường Tp.HCM và Hà Nội thì trong những tháng đầu 2015 nhiều “ông lớn” lại đổ bộ vào tỉnh lẻ. Những đô thị loại 1 đang là địa điểm lựa chọn đầu tiên, tuy nhiên, khác với thị trường Hà Nội hay Tp.HCM mảng bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng và trung tâm thương mại đang được quan tâm nhiều hơn là nhà ở.

Chu kỳ mới của thị trường bất động sản đang ghi nhận sự lan rộng về quy mô đầu tư ở nhiều TP lớn. Đáng chú ý là các TP có tiềm năng phát triển du lịch, hoặc đô thị lớn như Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai những năm gần đây, đặc biệt nổi lên một vài “điểm nóng” trong năm qua như Phú Quốc, Nha Trang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số địa phương mới như Quảng Ngãi, Cần Thơ, Hà Tĩnh.

Vingroup vẫn là tập đoàn có động thái mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS mạnh mẽ nhất. Nhìn vào danh mục các dự án của Vingroup thì không chỉ đầu tư mạnh tại thị trường Tp.HCM, Hà Nội với nhiều dự án đang triển khai như Vinhomes Central Park, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Times City giai đoạn 2,…thì tập đoàn này còn đang đổ bộ mạnh vào một vài tỉnh thành khác.

Phần lớn các dự án của Vingroup ở những tỉnh thành này là khu nghỉ dưỡng và BĐS thương mại. Mới đây nhất, đã có thông tin đơn vị này đầu tư 2 dự án lớn tại Quảng Ngãi gồm 1 khu tổ hợp thương mại trên đường Lê Quý Đôn, Tp. Quảng Ngãi và khu nghỉ dưỡng 2.000ha ở bãi biển Bình Châu, Bình Sơn. Vingroup cũng đang có kế hoạch khởi công một khu nghỉ dưỡng khác có tổng mức đầu tư dự kiến 1 tỷ USD trên một hòn đảo 872ha tại Tp Hải Phòng…

Bên cạnh Vingroup, một tập đoàn lớn khác là Vạn Thịnh Phát cũng vừa được tỉnh Long An thống nhất về chủ trương đầu tư 16 dự án BĐS tại tỉnh này, với tổng diện tích 1.500ha. Trong đó, phần lớn diện tích là khu công nghiệp, nhà ở tái định cư.

Trong vài tháng gần đây, Thanh Hóa cũng đang là một “điểm nóng” thu hút những tên tuổi lớn. Cách đây 1 năm khi FLC Group đặt chân vào bãi biển Sầm Sơn với mục tiêu biến khu cát trắng cửa sông Mã thành một địa du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp với khoản chi phí dự kiến 5.500 tỷ đồng, gồm có sân golf 18 lỗ, khách sạn 600 phòng, biệt thự, liền kề,… Dự án này vừa được FLC khánh thành 3 hạng mục đầu tiên là trung tâm hội nghị, nhà câu lạc bộ sân golf và khu biệt thự Fusion Resort Sầm Sơn giai đoạn 1.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn là điểm đến của nhiều “ông lớn” khác. Ngay cả Vingroup cũng đã mạnh tay đầu tư khu trung tâm hành chính mới Tp Thanh Hóa với tòa nhà cao 25 tầng một khu nhà thương mại biệt thự 3 tầng trên diện tích đất 44.740 m2; Công ty BĐS Đông Á cũng vừa được cấp phép đầu tư một dự án khu nghỉ dưỡng 1000 tỷ tại Sầm Sơn;

Nhiều đại gia khác cũng không ngần ngại rót tiền vào những thành phố có lợi thế về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Quốc hay Nha Trang. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều dự án nghỉ dưỡng của Vingroup, Sun Group hay CEO Group cũng đã bắt đầu khởi động.

Một công ty con của Tập đoàn BRG cũng vừa khởi công xây dựng một Dự án khách sạn Hilton 5 sao, thương mại và căn hộ tại quận Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng trị giá 2.200 tỷ đồng, gồm 304 phòng khách sạn và 250 căn hộ.

Riêng tập đoàn Vingroup, trong năm 2015 có thể cung ứng khoảng trên 830 căn biệt thự nghỉ dưỡng ven biển ra thị trường từ 3 địa điểm là Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng.

Theo nhận định của ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường địa ốc có tín hiệu phục hồi và đi lên, tuy nhiên, sự phục hồi này không phải diễn ra ở diện rộng. Sự ấm lên ở Tp.HCM hay Hà Nội là rõ rệt, nhưng một số tỉnh, thành phố khác thị trường vẫn còn khó khăn, nhiều dự án còn dở dang, đắp chiếu.

Tuy nhiên, với động thái mới từ các “ông lớn” trong chu kỳ mới thị trường bất động sản tỉnh lẻ sẽ có những cú “đột phá” mới. Trong đó, nổi lên là bất động sản nghỉ dưỡng.

Những làn sóng này cũng sẽ báo hiệu một thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ hơn, quy mô lớn hơn nhưng không dàn trải. Bởi lẽ, hướng đi vào từng phân khúc, loại hình BĐS và địa điểm mà các ông chủ địa ốc lựa chọn đến nay cho thấy khá thận trọng. Chỉ những dự án có vị trí đẹp, nơi có sự đầu tư tốt về hạ tầng mới được triển khai xây dựng.

Gia Bảo

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên