Quỹ đầu tư ngoại “mạnh tay” rót vốn vào bất động sản Việt Nam
Dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào bất động sản Việt Nam qua nhiều hình thức từ đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) do thị trường đang có những chuyển biến khởi sắc.
- 01-09-2015Đón đầu xu hướng, Dragon Capital "xoay trục" vào cổ phiếu bất động sản?
- 02-07-2015Được góp vốn bằng Bất động sản vào Quỹ đầu tư Bất động sản
- 26-06-2015VinaCapital đầu tư 15 triệu USD vào Novaland
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có những khởi sắc rõ rệt ở mọi phân khúc. Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho thấy đã có 21.500 giao dịch thành công tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM trong 7 tháng đầu 2015, con số này cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là những tiền đề quan trọng cho bất động sản Việt Nam hút vốn đầu tư ngoại. Các quỹ đầu tư đang gia tăng các khoản đầu tư vào các công ty BĐS tiềm năng, dòng vốn FDI cũng đang chảy mạnh vào địa ốc.
Thị trường phục hồi còn thể hiện rõ ở dòng tiền đang chảy mạnh vào lĩnh vực địa ốc, kể cả dòng tiền đầu tư ngắn hạn. Điều này giúp thị trường có tính thanh khoản tốt hơn, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp.
Tập đoàn lớn trong nước đẩy mạnh đầu tư
Các tập đoàn lớn trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng và bán hàng. Đáng chú ý là Vingroup và Novaland, trong khi Vingroup tập trung vào 2 dự án chính là Vinhomes Central Park (TP.HCM) và Park Hill (Hà Nội) thì Novaland lại tung ra thị trường ở nhiều dự án khắp Tp.HCM. Từ đầu năm đến nay Novaland đã bán thành công 3.000 căn hộ và bàn giao tới 2.000 căn cho khách hàng từ 18 dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng.
Bên cạnh những “ông lớn” nhiều đại gia địa ốc khác cũng đã vào cuộc và tái khởi động nhiều dự án lớn có lợi thế về vị trí như Sacomreal, Nam Long, TNR Holdings, Năm Bảy Bảy, An Gia Investment, Khang Điền, FLC Group, CEO Group, Sun Group…
Những động thái đẩy mạnh đầu tư vào thị trường từ các nhà phát triển bất động sản trong nước khiến dòng vốn ngoại cũng đang sôi sục trở lại.
Quỹ ngoại sôi sục trở lại
Hồi đầu năm 2015, một công ty địa ốc khác là Nam Long-một nhà phát triển nhà ở giá rẻ tại Tp.HCM cũng đã hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank; Ngoài ra, Nam Long còn hợp tác với 2 nhà đầu tư khác đến từ Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với giá trị chuyển nhượng dự án Flora Anh Đào (quận 9) trị giá khoảng 500 tỷ đồng.
Novaland cho biết mới đây đã phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, trong đó đáng chú ý là có sự tham gia của 2 quỹ đầu tư ngoại là VinaCapital (15 triệu USD) và Dragon Capital và một tập đoàn tài chính khác. Trước đó, Vincom Retail cũng được một quỹ đầu tư ngoại là Warburg Pincus rót thêm 100 triệu USD hồi tháng 6 năm 2015;
Trước đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Công cũng đã chuyển nhượng một dự án Celadon City (Tp.HCM) cho Gamuda Land Vietnam (thuộc tập đoàn bất động sản hàng đầu của Malaysia).
Theo nhận xét của CEO CBRE Việt Nam, dòng tiền ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam phần lớn đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông. Thực tế, thời gian gần đây thị trường đã chứng kiến một làn sóng đầu tư từ các công ty và quỹ đầu tư Nhật.
Đáng chú ý có thể thấy được một quỹ đầu từ lớn của Nhật có tổng tài sản tới 5 tỷ USD là Creed Group, đang rót vốn mạnh vào địa ốc Việt Nam. Quỹ đầu tư này hiện đang nhắm tới 2 công ty địa ốc tại Tp.HCM là Nam Bảy Bảy và An Gia Investment. Creed Group cũng rót gần 60 triệu USD vào dự án City Gate Towers của Năm Bảy Bảy và ký thỏa thuận tham gia phát triển 2 dự án khác của NBB là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỷ lệ góp vốn 50%, trị giá hơn 26 triệu USD.
Mới đây, Creed Group và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (An Gia Investment) ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 200 triệu USD. Theo đó, quỹ đầu tư này sẽ mua 20% cổ phần của An Gia để đầu tư vào các dự án mà An Gia đang theo đuổi với tỷ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay cho An Gia để đi mua các dự án để tiếp tục phát triển. Dự kiến của An Gia là đầu tư xây dựng mỗi năm khoảng 2000 căn hộ trung và cao cấp ra thị trường.
Lãnh đạo một công ty địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Khang Điền (KDH) cho rằng có rất nhiều quỹ đầu tư ngoại quan tâm đến các công ty bất động sản tiềm năng ở Việt Nam, chẳng hạn như KDH cũng đang có tới 49% thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại, trong đó Dragon Capital là sở hữu 16%, VinaCapital sở hữu 21%,…
Siêu dự án hàng tỷ đô la khởi động
Không những quỹ đầu tư ngoại quan tâm, mà những tập đoàn lớn cũng không ngừng thâu tóm các tài sản có giá trị lớn tại vị trí đắc địa ở Thủ đô hay Tp.HCM. Đơn cử như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) tiến hành mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp Diamond Plaza và khách sạn Legend (TP HCM); Keangnam Landmark 72 tầng (Hà Nội) được 2 quỹ lớn quan tâm mua lại là Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority.
Mới đây, Gaw Capital Parkner-một quỹ đầu tư lớn từ Vương quốc Anh cũng đã công bố việc rót 50% trong tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án Empire City 1,2 tỷ USD tại Thủ Thiêm cùng 2 đối tác là công ty trong nước. Đây cũng là dự án BĐS có vốn đầu tư trước tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ đầu năm đến nay được cấp phép.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng 2015 số vốn FDI đổ vào BĐS tiếp tục tăng với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.
Nhiều tập đoàn BĐS lớn khác đang nhăm nhe rót hàng tỷ đô la vào các siêu dự án tại Việt Nam như Thủ Thiêm Eco Smart City dự kiến có tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD do Liên danh 7 công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác đầu tư, cùng vừa được khởi động.
Theo nhận định của ông Nguyễn Vĩnh Trân, CEO Quỹ Jen Capital, các nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán bài toán dài hơi với BĐS Việt Nam để đón những chuyển biến mới từ chính sách. Giờ là cơ hội tốt nhất để họ thâm nhập thị trường.