Tăng giá nhà đất là “bóp nghẹt” thị trường
Trong những tháng tới, nhiều dự báo cho thấy thị trường đất nền và căn hộ ở nhiều phân khúc tiếp tục có sự tăng giá mạnh, có khu vực hiện đã tăng trên 20% giá chào bán.
- 14-04-2015"Tuyệt chiêu" tăng giá để chống ế trên thị trường căn hộ Hà Nội
- 05-04-2015Chung cư tăng giá: Điểm khác biệt thú vị giữa Hà Nội và TPHCM
- 05-04-2015Căn hộ chung cư đang tăng giá từng đợt
Tóm tắt
- Theo CBRE, cá biệt có dự án căn hộ chưa đầy 1 tuần sau khi chào bán đã tăng 15-20% trên thị trường thứ cấp, trung bình mỗi ngày tăng 1 triệu đồng/m2.
- Có nhiều nguyên nhân khiến BĐS bị đẩy giá lên cao trong đó có 2 yếu tốc tác động trực tiếp là hạ tầng phát triển và môi giới.
- Theo các chuyên gia, hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành bất động sản, nếu điều đó là thật thì hệ quả to lớn sẽ tác động lên thị trường, nếu như không muốn nói là đang kéo thị trường quay trở lại thời kỳ “ngủ đông”.
Theo CBRE Việt Nam, một số dự án có vị trí tốt, gần trung tâm TP.HCM hiện đã tăng giá bán. Tính bình quân thị trường, giá sơ cấp tại các dự án cao cấp và bình dân tăng khoảng 7% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường thứ cấp, giá thứ cấp bình quân thị trường cũng cải thiện cả theo quý và theo năm. Trong các phân khúc, giá thứ cấp tại phân khúc hạng sang và cao cấp tăng mạnh nhất với 3,2% và 5,8% so với quý trước.
Theo CBRE, cá biệt có dự án căn hộ chưa đầy 1 tuần sau khi chào bán đã tăng 15-20% trên thị trường thứ cấp, trung bình mỗi ngày tăng 1 triệu đồng/m2. Có thể kể đến 1 dự án tại quận Bình Tân đã tăng giá đến 700 nghìn đồng/m2 sau một đêm mở bán. Hay một dự án khác tại quận 2 cũng đã tăng giá 1 triệu đồng/m2 sau khi công bố bán, tuy nhiên dự án này đã bị công ty môi giới từ chối và đổi trả lại cho chủ đầu tư.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, uớc tính có khoảng hơn chục tỷ USD đã, đang và sẽ đầu tư vào hạ tầng TP.HCM, tập trung mạnh mẽ ở khu Đông Sài Gòn (vành đai, cao tốc, metro), gián tiếp đẩy tâm lý thị trường địa ốc khu vực này lên hơn bình thường, tạo điều kiện để một số dự án có thương hiệu lớn tăng giá. Tuyến metro số một đang được khởi công tại khu vực này cũng là nhân tố tác động tích cực đến giá bất động sản.
Tuy nhiên, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, cảnh báo rằng: “Tác động của hệ thống giao thông công cộng đối với giá nhà phụ thuộc vào một số yếu tố trung gian bao gồm quyền sử dụng và loại nhà ở, mức độ và độ tin cậy của hệ thống công cộng, tiềm lực của thị trường nhà ở, bản chất của các dự án phát triển lân cận và các yếu tố khác. Tại những khu vực có thị trường nhà đất phát triển mạnh và hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy giúp người dân kết nối hiệu quả với công việc và các điểm đến khác, mức chênh lệch giá cũng có thể cao hơn nhiều so với mức trung bình”.
Cũng theo người đứng đầu công ty tư vấn bất động sàn CBRE Việt Nam, doanh nghiệp tại TP.HCM hay Hà Nội vẫn đang “bám” vào trục các tuyến metro để phát triển nhiều dự án cạnh tranh. Tuy nhiên, để có thể thu hút được người mua nhà thì yếu tố chất lượng, thực hiện đúng các cam kết mới quyết định sự thanh công trong chiến lược đầu tư. Còn nếu “té nước theo mưa”, thấy đối thủ tăng giá bán thì mình cũng tăng đồng nghĩa với việc đẩy khách hàng quay lưng.
TS. Lê Đăng Doanh thì cho rằn,g thị trường tăng giá mạnh còn phải nhìn nhận ở một khía cạnh khác là nhiều chủ đầu tư, môi giới làm giá dựa vào sự phục hồi của thị trường, những dấu hiệu làm giá của cò đất đã khiến cho thị trường có nhiều biểu hiện sốt ảo. “Việc tự tiện đẩy giá nhà đất lên cao sẽ chính là nguyên nhân giết chết thị trường”, ông Doanh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất lành, “Việc tăng giá bán nhà hay đất nền một cách vô tội vạ hiện nay sẽ mang lại những tác hại rất lớn cho thị trường. Trước mắt đó là dự án đột ngột tăng giá sẽ bán chậm lại ngay, và thị trường chỉ mới âm ấm lên chứ chưa phải là sốt nên người mua sẽ không chấp nhận cho việc tăng giá này và sẽ quay lưng với dự án”.
Chung quan điểm trên, một đại diện của Capitaland cho rằng hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhất. Người mua nhà từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Maylaisia... vẫn thích mua nhà tại Việt Nam hơn vì tiền gửi tiết kiệm tại nước họ không sinh lời. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước không thể "vịn" vào xu hướng này mà nâng giá nhà, như thế tác dụng phụ lên thị trường sẽ vô cùng lớn".
Trong cuộc khảo sát tiến độ đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành mới đây, ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban quản lý dự án Bến Lức – Long Thành, “trần tình” rằng chính nguyên nhân nhà đất đang tăng giá ồ ạt tạo ra quá nhiều khó khăn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng của toàn dự án.
“Hiện tại một phần của huyện Bình Chánh (TP.HCM) và Đồng Nai người dân đang khiếu nại nhiều về mức giá đền bù, do các quy định mới về giá đất của Luật Đất đai năm 2013 và thị trường đang tăng giá nhà đất mạnh. Chúng tôi buộc phải chờ đợi các cơ quan chức năng tính toán lại cho hợp lý”.
Theo ông Vị, mức giá đền bù cho các hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa để thực hiện dự án hiện nay thấp nhất là 4 triệu đồng/m2, cao nhất là 40 triệu đồng/m2 nhưng rất khó thực hiện được.
Còn theo ông Khoa, Đỗ Hữu Khoa, Phó Tống giám đốc công ty Cityland, thị trường BĐS Việt Nam trước nay luôn có những phản ứng thái quá, tức là khi thị trường hơi “nóng” thì doanh nghiệp ồ ạt đầu tư tạo nên những cơn sốt. Đến khi thị trường khó khăn doanh nghiệp cũng ồ ạt rút lui, điều này dễ tạo nên tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Đứng ở góc độ khác, ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thứ ký Hiệp hội BĐS Việt Nam thì cho rằng, chúng ta đều biết cần tránh tình trạng tăng giá bán một cách đột biến qua hệ thống bán hàng bởi điều đó sẽ phá vỡ sự phát triển lành mạnh của thị trường.
“Hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá đột biến, tạo nên “sốt ảo” ở một số dự án, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng thể hiện sự chưa chuyên nghiệp của thị trường hiện nay và làm giảm tiến trình phục hồi thị trường bất động sản”, ông nói.
Theo Đăng Khải