MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ô tô nhập khẩu 'nhấn ga': Hàn Quốc gấp 8,5 lần Nhật Bản

23-08-2014 - 09:55 AM |

Hàn Quốc giữ vị trí hàng đầu với lượng xe nhập khẩu lên tới 9.300 chiếc, cao gấp 8,5 lần Nhật Bản, gấp 5 lần thị trường Ấn Độ.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, các đơn vị và cá nhân tại Việt Nam chi gần 650 triệu USD nhập khẩu hơn 31.000 chiếc ô tô nguyên chiếc.

Thị trường ô tô nhập khẩu ngày càng tỏ rõ dấu hiệu tăng trưởng. Nếu như tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm mới chỉ đạt 10.275 chiếc và xấp xỉ 200 triệu USD thì sau 4 tháng con số sản lượng và giá trị đều tăng lên gấp 3. Đặc biệt với lộ trình cắt giảm các mức thuế suất và sẽ về 0% vào năm 2018 theo hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thị trường nhập khẩu ô tô ngày càng tỏ rõ tiềm năng tăng trưởng, khiến không ít doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước lo ngại.

Hiện nay thị trường nhập khẩu ô tô của Việt Nam gồm 12 quốc gia như Ấn Độ, Anh, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, Nga, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Tính đến tháng 7 vừa qua, 5 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu ô tô nhiều nhất là các nước khu vực châu Á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Hàn Quốc giữ vị trí hàng đầu với lượng xe nhập khẩu lên tới 9.300 chiếc, cao gấp 8,5 lần Nhật Bản, gấp 5 lần thị trường Ấn Độ.

Top 5 nước nhập khẩu xe ô tô của Việt Nam tính theo số lượng. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Người tiêu dùng Việt Nam hiện khá ưa chuộng các thương hiệu xe ô tô đến từ Hàn Quốc như Hyundai, Kia. Một phần của việc ưa thích sử dụng ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam bởi mức giá khá phù hợp với mức thu nhập của người Việt. Theo số liệu của Tổng cục hải quan, giá trị nhập khẩu trung bình trên mỗi chiếc xe từ Hàn Quốc vào khoảng 15.500 USD, chỉ sau Indonesia là gần 10.000 USD, Ấn Độ là hơn 4.300 USD, trong khi giá trị nhập khẩu trung bình từ Thái Lan là hơn 16.600 USD, Nhật Bản là 31.700 USD.

Với mức giá phù hợp với nhu cầu cùng với thiết kế được đánh giá là đẹp mắt, cùng với tâm lý chuộng hàng ngoại hơn là xe lắp ráp trong nước, ô tô Hàn Quốc cũng là lựa chọn hàng đầu với đa số người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó với làn sóng văn hóa Hàn Quốc ngày càng phát triển khiến việc thâm nhập của các thương hiệu đến từ quốc gia này dễ dàng được đón nhận hơn so với các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia.

Giá trị nhập khẩu trung bình tính trên mỗi đầu xe. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tuy nhiên nếu xét về giá trị nhập khẩu, Trung Quốc lại quốc gia giữ vị trí quán quân, vượt qua cả Hàn Quốc. Giá trị nhập khẩu xe ô tô từ Trung Quốc trong 7 tháng năm nay đạt gần 232 triệu USD, gấp đôi giá trị nhập từ Hàn Quốc, gấp 6 lần nhập từ Nhật Bản.

Không chỉ đứng đầu về giá trị nhập khẩu, xe nhập khẩu từ ô tô có giá khá cao với mức gần 40.000 USD, đứng sau Nga, Mỹ. Nguyên nhân giá trị nhập trung bình xe Trung Quốc lọt vào top cao là loại xe nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xe tải từ thị trường này. Theo số liệu 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan, lượng xe tải nhập từ Trung Quốc đạt hơn 4.600 xe, gần gấp đôi mức 2.000 xe của cùng kỳ năm 2013. Giá trị nhập khẩu thậm chí tăng gần gấp 3, từ 69 triệu USD 185 triệu USD. Sở dĩ xe tải Trung Quốc được tiêu thụ tốt do giá thành rẻ hơn xe cùng loại của Hàn Quốc, Nhật Bản.

Top 5 nước nhập khẩu xe ô tô của Việt Nam tính theo giá trị. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Cũng theo số liệu mới công bố của Hiệp hội ô tô Việt Nam, sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam 7 tháng đầu đều tăng tương ứng 24% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng vượt trội, việc kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang ngày càng phát triển và lấn lướt hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô của doanh nghiệp nội địa.

Chính vì thế, liên tiếp 2 ngày 16 và 24/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký các quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và “Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Những chính sách này nhằm tạo động lực phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa trước sức ép hội nhập trong thời gian tới. 

Tuy nhiên nhìn lại 20 năm qua, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi như: xe tô tô sản xuất trong nước được thuế tiêu thụ đặc biệt là 0% hay các dự án sản xuất ô tô thông dụng được hưởng một số ưu đãi về đất đai, vốn vay tín dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào, không tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện rời dạng CKD, IKD,… nhưng dường như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không có nhiều bước tiến đáng kể. 

Trong một bài viết đăng trên sở công thương Hà Tĩnh, với thị trường nhỏ như Việt Nam, các liên doanh chỉ đi sâu vào lắp ráp, mức nội địa hóa không quá 6%, trừ một số model có mức nội địa hóa 20-25% như Innova (Toyota). 

Liệu trong tương lai tới, liệu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tạo ra cú hích trỗi dậy thần kỳ hay để mất dần sân chơi vào tay các nhà nhập khẩu?


Nguyên Thảo

thuyntt

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên