MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ nhà 194 phố Huế: Cơ quan thi hành án đổ lỗi cho Techcombank

Vụ cưỡng chế thi hành án có nhiều uẩn khúc tại 194 phố Huế đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.

Nếu như câu hỏi thứ nhất của PV Dân trí ông Trịnh Ngọc Chung nhận sai sót là do lỗi đánh máy thì ở câu hỏi này, ông Chung lại đẩy quả bóng sai sót sang cho… Ngân hàng!

Câu hỏi của PV Dân trí: Ông có biết việc ông Hoàng Phi Long - cán bộ dưới quyền ông có 01 tài khoản tiết kiệm bằng đúng số tiền bán đấu giá thành căn nhà 194 phố Huế? Theo ông có mối liên quan nào giữa sổ tiết kiệm của ông Long với số tiền do bán đấu giá thành?

Ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội trả lời:

“Ngày 30/5/2011 Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng chuyển số tiền 31.528.000.000 đồng từ tài khoản tạm giữ của cơ quan Thi hành án sang Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – TTGD Hội Sở để gửi tiết kiệm theo lãi suất không kì hạn.

Ngày 31/5/2011 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam lập sổ tiết kiệm mang tên Hoàng Phi Long, địa chỉ: Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng với số tiền gửi là 31.528.000.000 đồng.

Ngày 07/6/2011 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam có văn bản số 741/TTGDHO nhận việc có sai sót trong quá trình phát hành sổ tiết kiệm mang tên cá nhân và xin được khắc phục bằng việc phát hành sổ tiết kiệm mới BC 110963 với người đứng tên trên Sổ tiết kiệm là: Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng.

Như vậy, sổ tiết kiệm mang tên cá nhân ông Hoàng Phi Long là do sơ suất của phía Ngân hàng”

Vậy là, theo ông Chung, thay vì cấp sổ tiết kiệm mang tên Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, ngân hàng TECHCOMBANK đã sai sót cấp nhầm sổ mang tên cá nhân ông Hoàng Phi Long. Sai sót này phía ngân hàng đã thừa nhận và khắc phục bằng một cuốn sổ mới, mang chính danh Cơ quan THA (?!).

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư INTERLA (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay:

1. Đối tượng nào được gửi tiền gửi tiết kiệm?

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 về việc Ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm của Thống đốc Ngân hàng nhà nước thì:“Đối tượng gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam là các cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.”

Điều đó có nghĩa là các tổ chức nói chung và Chi cục THA dân sự Hai Bà Trưng nói riêng không thuộc đối tượng gửi tiền gửi tiết kiệm!

Trên thực tế, khách hàng là tổ chức gửi tiền vào các Ngân hàng thường thông qua các hợp đồng gửi vốn, trong đó quy định các nội dung có liên quan: các bên tham gia, số tiền gửi, lãi suất, kỳ hạn ...

Để làm tốt chức năng là diễn đàn phản biện xã hội, đưa thông tin đến với bạn đọc một cách kịp thời, chính xác, trung thực và khách quan, Báo điện tử Dân trí đã có công văn số 37/2011-BBĐ gửi Ngân hàng TECHCOMBANK đề nghị cơ quan này làm rõ các thông tin mà ông Trịnh Ngọc Chung đã trả lời Báo Dân trí. Kết quả ra sao, tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

2. Quy định về thu, nộp tiền bán tài sản thi hành án

Mặt khác, Chi cục THA là một cơ quan nhà nước nên phải tuân thủ quy định khắt khe về quản lý và sử dụng các khoản thu, chi theo pháp luật về ngân sách nhà nước.  Điểm 3.1 Mục III Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 5 tháng 7 năm 2007 Quy định về thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự ghi rõ trách nhiệm nộp tiền thi hành án như sau: “Các khoản tiền thu được của từng vụ án phải nộp đầy đủ, kịp thời vào quỹ của cơ quan thi hành án hoặc nộp vào Kho bạc Nhà nước”

Số tiền 31.528.000.000 đồng có nguồn gốc từ bán đấu giá thành ngôi nhà 194 phố Huế, là một khoản thu được xác định nằm trong hệ thống tài khoản kế toán của Cơ quan THA (số hiệu tài khoản là 3111 - mục “Thu tiền bán tài sản thi hành án”) theo hướng dẫn tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17  tháng 6  năm 2010 Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của Bộ Tài chính.


Theo đó, điều 11 Thông tư 91 này quy định trách nhiệm của chấp hành viên là:

“1. Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ, thủ tục và các nghiệp vụ kế toán tài chính trong hoạt động thu, chi, nhập, xuất tiền và tài sản thi hành án. .....

2. Nộp đầy đủ, kịp thời các khoản tiền, tài sản thu được của từng quyết định thi hành án vào quỹ hay nộp Kho bạc hoặc kho cơ quan”

Như vậy, chấp hành viên phải nộp các khoản tiền, tài sản thu được từ công tác THA vào quỹ hay nộp Kho bạc hoặc kho cơ quan. Vậy căn cứ vào đâu Chi cục THA quận Hai Bà Trưng tự ý chuyển số tiền bán đấu giá thành ngôi nhà 194 phố Huế từ tài khản tạm giữ tại Kho bạc sang Ngân hàng TECHCOMBANK để hưởng lãi suất? Nếu xảy ra rủi ro từ phía Ngân hàng này thì sao? Việc làm này của Chi cục THA có thường xuyên không và ai phải chịu trách nhiệm? Đề nghị cơ quan thanh tra vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm quy tắc tài chính trong vụ án này!

3. Cơ quan THA được gửi tiền từ hoạt động thi hành án theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn trong trường hợp nào?

Nội dung văn bản của ông Trịnh Ngọc Chung, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng
 gửi đến Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến) 


Điều 126 Luật THA dân sự về “Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự” quy định:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự.

2. Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự”

Như vậy, chỉ trong trường hợp hết 15 ngày kể từ ngày được Chấp hành viên thông báo cho đương sự về thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản, đương sự không đến nhận thì chấp hành viên có quyền gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự biết.

Trong vụ án này, số tiền bán đấu giá thành không được xem là tiền trả lại cho đương sự theo quy định của điều luật trên. Trừ khi Cơ quan có thẩm quyền đã ra Quyết định tuyên trả lại tài sản cho Cơ quan bán đấu giá (hoặc người mua đấu giá thành).

Dư luận đang đặt ra nghi vấn: Phải chăng đã tồn tại Quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự? Nếu có, Cơ quan bán đấu giá (hoặc người mua đấu giá thành) có được Chấp hành viên thông báo để nhận lại tiền hay không? Và nếu quả thực tồn tại Quyết định này thì tại sao Cơ quan THA quận Hai Bà Trưng vẫn quyết liệt cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế để bàn giao cho người mua đấu giá thành?

Bên cạnh đó, đoạn 2, khoản 3.2. 1 Mục III Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05 tháng 7 năm 2007 Quy định về thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự cũng có quy định:

“Đối với khoản tiền đã thu nhưng việc thi hành án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời ghi tên người được nhận; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định của Toà án hay quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự”.

Như đã đưa tin, Cơ quan THA đã ban hành công văn số 83/CV-THA ngày 09/09/2009 trong đó thông báo tạm đình chỉ việc thi hành án, sau đó, vụ án 194 phố Huế đã bị hủy theo Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT ngày 21/12/2010 của TAND Tối cao. Nhưng thay vì kết thúc THA (Điều 52 Luật THADS) và trả lại tiền cho đương sự, ngày 31/5/2011 Cơ quan THA lại chuyển số tiền bán đấu giá thành từ tài khoản tạm giữ sang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TECHCOMBANK. Đây thực sự là vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong vụ án này. 

(Còn nữa)

Theo Vũ Văn Tiến
Dân Trí

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên