Thiên kim tiểu thư gả cho anh bán đậu phụ qua 1 lời mai mối: Từ vợ chồng trắng tay rủ nhau đi làm đồng nát, tới xây dựng đế chế tỷ USD nhờ phế liệu
Từ tiểu thư gia cảnh khá giả trở thành vợ của anh bán đậu phụ, sau đó đổi nghề đồng nát, người phụ nữ này cũng không ngờ có ngày mình sẽ trở thành tỷ phú. Thậm chí, sau khi chồng qua đời, một mình bà đã cáng đáng và phát triển cơ nghiệp trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết.
- 14-03-2022Tình sử “drama như phim Hàn” của thiên tài lập dị Elon Musk: Nàng thơ toàn mỹ nhân, thú nhận yêu sâu đậm nên tổn thương sâu sắc nhưng bị bóc phốt “ki kiệt”
- 14-03-2022Sang tuần mới, 3 con giáp biết đối nhân xử thế sẽ hóa giải mọi xui xẻo, chuyển bại thành thắng
- 11-03-2022Chân dung ái nữ kín tiếng khiến bầu Đức phải “giữ hơn vàng”: 1 cú lướt sóng lãi đậm 3 triệu USD, là nhân vật “cầm trịch” cà phê Ông Bầu
Không phải người nào cũng sinh ra trong may mắn. Những người sinh ra trong may mắn nhưng dám bỏ lại tất cả, hai bàn tay trắng, sẵn sàng làm lại từ đầu bên chồng lại càng hiếm có hơn.
Trương Vinh Hoa, sinh năm 1969, là con gái trong một gia đình khấm khá. Ban đầu, kinh tế gia đình chỉ ở mức khá giả, nhưng nhờ cải cách và mở cửa, công việc kinh doanh của ông Trương đã có bước phát triển mạnh mẽ vào những năm 1980. Điều đó giúp cô trở thành một “tiểu thư” nhận hết yêu chiều, có cuộc sống không phải lo lắng về vật chất.
Năm 19 tuổi, Trương Vinh Hoa bất ngờ nhận được lời mai mối với một người đàn ông không mấy dễ nhìn, lại có gia cảnh nghèo khó. Trước sự bất ngờ của cô, ông Trương đã giải thích:
“Chúng ta nhìn người không thể chỉ nhìn vẻ ngoài. Cậu ta có một vết sẹo trên mặt là do bị mảnh xỉ nhỏ văng vào. Thế mà lúc đó, cậu ta còn chẳng thèm kêu một tiếng.”
Qua lời kể của cha, bà mới có thiện cảm với người này. Người đàn ông đó chính là Trương Tường Thanh.
Trương Tường Thanh là một người đàn ông nghèo. 1 trận động đất lớn đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ và em trai ông. Khi đó, Trương Tường Thanh mới 7 tuổi và không còn cách nào khác là phải đến nhà máy thép ở địa phương để cắt cỏ và cho lợn ăn.
Sau đó, Trương Tường Thanh bán kem que trong nhà máy, đồng thời cũng trở thành công nhân đốt lò hơi trong một khoảng thời gian. Ông là công nhân lò hơi trẻ nhất từ khi thành lập nhà máy.
Sinh ra trong cảnh nhà nghèo nhưng cái chí của Trương Tường Thanh không nghèo. Từ khi còn trẻ, ông đã có trong mình nguồn năng lượng sôi sục, sự kiên cường hiếm có và luôn nỗ lực để vươn lên. Chính điều này đã khiến chàng trai trẻ nghèo khó “lọt vào mắt xanh” của ông Trương.
Qua sự mai mối của bố, Trương Vinh Hoa dần tiếp xúc nhiều hơn và phải lòng Trương Tường Thanh. Họ nhanh chóng yêu nhau dù mẹ của Trương Vinh Hoa không thích “con rể tương lai” cho lắm.
Vợ chồng Trương Vinh Hoa và Trương Tường Thanh. (Ảnh: QQ)
Nhờ được sự ủng hộ của cha, Trương Vinh Hoa và Trương Tường Thanh kết hôn với nhau khi bà mới 19 tuổi. Hai vợ chồng sống đùm bọc, gắn bó với nhau. Là một “tiểu thư” nhưng Trương Vinh Hoa chấp nhận cùng chồng “tay làm hàm nhai”, đi bán đậu phụ mỗi ngày trong những tràng cười sảng khoái.
Khi đó, cha của Trương Vinh Hoa muốn giúp đỡ để con gái mình không phải vất vả như vậy. Nhưng con rể Trương Tường Thanh là người có lòng tự trọng cao, không muốn nhận trợ cấp tài chính từ nhà vợ.
Cô con gái vốn quen sống trong cảnh điều kiện đủ đầy cũng trở nên mạnh mẽ hơn khi có gia đình riêng. Cô chỉ nói với cha: “Con không sợ anh ấy nghèo. Con sẽ giúp anh ấy có cuộc sống tốt hơn!"
Trương Vinh Hoa vốn rất mạnh mẽ, lại không ngại khó khăn. Cửa hàng đậu phụ buôn may bán đắt ngoài sức tưởng tượng nên hai vợ chồng bận tối mắt tối mũi. Tuy vậy, để tăng thu nhập, bà vẫn nhận may vá thuê cho người khác vào buổi đêm muộn.
Chăm chỉ làm việc nên sau 3 năm khổ cực, họ đã trở thành một trong những gia đình "vạn nguyên kim" (gia đình có trên 10.000 tệ) đầu tiên ở Đường Sơn. Ở thập niên 80, những gia đình như vậy còn ít hơn số triệu phú ngày nay.
Trương Tường Thanh cảm thấy mình nên chuyển đổi nhanh chóng khi vẫn còn một số tiền trong tay, không thể đi bán đậu phụ cả đời được. Vì vậy, hai vợ chồng lấy gần như toàn bộ số tiền tích lũy được, rồi liều vay thêm 8.000 tệ để làm vốn, bắt đầu kinh doanh tái chế thép phế liệu.
Không ai trong số họ từng có kinh nghiệm tiếp xúc với ngành này nên thời gian đầu, họ lỗ rất nhiều tiền. Trương Vinh Hoa rất ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng vẫn tỏ ra mạnh mẽ và động viên chồng cứ coi như “đóng học phí”.
Sau đó, Trương Tường Thanh buộc phải dành nhiều nỗ lực hơn để học cách phân biệt giữa thép tốt và sắt vụn. Và kết quả không phụ sự chờ mong, năm 1993, hai vợ chồng kiếm được 3 triệu tệ (tương đương 45 triệu USD ngày nay), gấp 300 lần số tiền kiếm được từ việc bán đậu phụ.
Năm 1994, Trương Vinh Hoa và chồng đã có đủ vốn liếng để thành lập Nhà máy Nguyên liệu luyện kim Đường Sơn Fengnan Shunda. Đang ăn nên làm ra, ngành sắt thép lại gặp khủng hoảng, khiến nhiều phân xưởng đóng cửa, không còn chỗ bán hàng.
Trong mấy năm đó, ngày nào vợ chồng cũng rất vất vả. Mỗi khi mệt mỏi quá, họ lại tự động viên nhau, sau đó lao vào công cuộc tiếp tục tìm kiếm con đường phát triển.
Cuối cùng, họ quyết định tự mua lại những công ty thép sắp phá sản. Tới năm 2000, họ đã có hàng chục nhà máy thép lớn nhỏ, với quy mô hơn 2.000 nhân viên.
Sau khi thu mua hàng loạt nhà máy, hai người nhận ra: Nếu không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực quản trị, sẽ rất khó để vận hành cơ ngơi này. Do đó, bà Trương đã đến Bắc Kinh để học một khóa MBA rồi quay trở về nhận việc quản trị giúp chồng.
"Tôi vốn không có tính nhẫn nại. Người bảo vệ tập đoàn này là vợ tôi. Người bảo vệ tôi cũng là bà ấy", Trương Tường Thanh từng nói.
Năm 2003 là năm quan trọng nhất đối với hành trình kinh doanh của Trương Vinh Hoa và Trương Tường Thanh. Họ đã sắp xếp, điều phối lại hoạt động của tất cả các nhà máy thép đang sở hữu và thành lập Tập đoàn thép Tianjin Rongcheng United.
Khi các ngón tay tách ra riêng lẻ, nó chỉ là một ngón tay, nhưng khi chúng được nắm lại với nhau, nó sẽ trở thành một bàn tay.
Nếu Trương Tường Thanh là người sáng lập thì Trương Vinh Hoa vừa là đồng sáng lập, vừa là quản lý chuyên nghiệp. Việc to việc nhỏ trong tập đoàn đều được bà nắm rõ trong tay.
Ông Trương trong phòng làm việc riêng. (Ảnh: QQ)
Ngay khi thành lập tập đoàn, khối tài sản của vợ chồng Trương Vinh Hoa tăng vọt và ngày càng giàu có theo năm tháng. Năm 2010, họ xuất hiện trên tạp chí Forbes lần đầu tiên và trở thành người giàu nhất Thiên Tân.
Những tưởng đây là thời điểm cả hai có thể tận hưởng cuộc sống đủ đầy về vật chất, thoải mái về tinh thần nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. 4 năm sau, một biến cố lớn đã ập tới với cả công ty và gia đình. Đó là ông Trương Tường Thanh bất ngờ qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim do làm việc quá sức.
Đối với Trương Vinh Hoa, tin tức này giống như sét đánh ngang tai. Chồng không chỉ là người thân yêu nhất, là trụ cột trong gia đình mà còn là người đồng hành trên con đường sự nghiệp. Trụ cột mất đi, bạn đồng hành cũng không còn khiến bà Trương suy sụp tột độ.
Kết hôn 26 năm, việc lớn việc nhỏ hai vợ chồng đều làm cùng nhau. Bây giờ, sản nghiệp tỷ USD và hơn 8.000 nhân viên đều là trách nhiệm đè nặng lên vai một mình bà.
Sau khi chồng qua đời 30 ngày, Trương Vinh Hoa đã viết: "Ông ở cõi trên, tôi sẽ trở thành hi vọng của ông. Mộng tưởng ông gieo xuống, tôi sẽ thay ông thực hiện".
Sau lưng bà còn cả gia nghiệp bạc tỷ, còn có ba đứa con phải nuôi. Do đó, bà không thể gục ngã. Bà quyết định tiếp tục gắn bó với con đường mà hai vợ chồng đã chọn. Đồng thời, bà cũng nuôi hi vọng sẽ tiếp nối, hoàn thành được những kế hoạch, mục tiêu mà chồng đã ấp ủ suốt bao năm qua.
Bà Trương Vinh Hoa đứng lên gồng gánh cơ nghiệp. (Ảnh: QQ)
Trương Vinh Hoa đặt mục tiêu là sản xuất và không ngừng phát triển các sản phẩm có độ chính xác cao. Bà tham gia vào lĩnh vực xăng dầu và ô tô, đồng thời cũng đưa dây điện của Ronghua nổi tiếng khắp Trung Quốc.
Năm 2015, khi thị trường sắt thép xuống dốc, việc kinh doanh chính gặp rất nhiều áp lực. Trương Vinh Hoa vừa phải lo tài chính của tập đoàn, vừa phải đảm bảo lương cho nhân viên, lại không thể vay ngân hàng. Bà từ chối cắt giảm lương vì cho rằng, muốn nhân viên coi tập đoàn là gia đình và gắn bó lâu dài thì tuyệt đối không thể để họ cảm thấy bị bỏ rơi mỗi khi khó khăn ập tới.
Nhờ thái độ bảo vệ của Trương Vinh Hoa, các nhân viên trong tập đoàn đều thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn chung. Họ tự giác tiết kiệm từ giấy in cho đến các nguyên vật liệu, giúp bà chủ đỡ tốn tiền.
Tinh thần đoàn kết một lòng giúp Trương Vinh Hoa cùng các nhân viên của mình đã kiếm được 180 triệu tệ (khoảng 27 triệu USD), đưa tập đoàn đi lên.
Lúc sinh thời, Trương Tường Thanh luôn tìm cách đóng góp cho xã hội. Sau khi chồng qua đời, Trương Vinh Hoa vẫn tiếp tục chí hướng của ông. Bà thường xuyên đóng góp cho các hoạt động từ thiện, từ xây dựng hệ thống sưởi miễn phí cho người dân, quyên góp cho Vũ Hán, tham gia chống dịch Covid-19... Cho đến nay, gia đình bà đã quyên góp khoảng 650 triệu tệ (hơn 98 triệu USD).
Theo News QQ, hiện khối tài sản cá nhân của Trương Vinh Hoa đã lên tới 11 tỷ USD. Trong số các nữ doanh nhân ở Thiên Tân, chưa ai có thể vượt qua những thành công của bà. Tuy giàu có là vậy nhưng nữ tỷ phú cũng học theo cuộc sống ẩn dật của chồng, gần như vắng bóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bà trở thành nữ tỷ phú hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: QQ)
(Theo Sohu, 163, QQ…)