MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu điện, thiếu xăng, thiếu chip, thiếu hàng hóa, thiếu cả nhân công: Một cuộc "khủng hoảng thiếu" đang bao trùm kinh tế thế giới, liệu có xảy ra đại lạm phát?

13-10-2021 - 13:24 PM | Tài chính quốc tế

Thiếu điện, thiếu xăng, thiếu chip, thiếu hàng hóa, thiếu cả nhân công: Một cuộc "khủng hoảng thiếu" đang bao trùm kinh tế thế giới, liệu có xảy ra đại lạm phát?

Kinh tế thế giới đang ở trong thực trạng trái ngược so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Trong khoảng 1 thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, vấn đề lớn nhất của kinh tế thế giới là chi tiêu èo uột. Với tâm trạng lo lắng, các hộ gia đình giảm nợ, các chính phủ thắt lưng buộc bụng trong khi giới doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và rất dễ tuyển được người từ lực lượng lao động tưởng chừng như dồi dào vô tận.

Giờ đây, một bức tranh hoàn toàn trái ngược đang diễn ra. Tiêu dùng bật tăng mạnh mẽ nhờ các biện pháp kích thích kinh tế. Lực cầu tăng mạnh đến nỗi cung không đuổi kịp. Nguồn cung lao động khan hiếm. Những người lái xe tải đường dài liên tục được tăng lương thưởng để giữ chân họ. Tại nhiều cảng trên khắp thế giới, hàng dài tàu nối đuôi nhau chờ đến lượt vào cảng để bốc dỡ hàng, gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Giá năng lượng tăng vọt. Trong khi nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ lạm phát, tình trạng thừa mứa của những năm 2010 giờ đã nhường chỗ cho 1 nền kinh tế thế giới thiếu thốn ở tất cả các phương diện.

Nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này là đại dịch Covid-19. Tổng giá trị các gói kích thích mà các nước tung ra để ứng phó lên tới 10.400 tỷ USD, tạo ra 1 cú hồi phục mạnh mẽ nhưng cũng mất cân đối. Người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hơn thường lệ, nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu bị kéo căng hết mức do không được đầu tư thỏa đáng.

Ví dụ, nhu cầu về hàng điện tử bùng nổ trong đại dịch nhưng tình trạng khan hiếm chip lại khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ ở các nền kinh tế có thế mạnh xuất khẩu hàng điện tử. Biến chủng Delta khiến một loạt nhà máy dệt may ở châu Á phải đóng cửa.

Ở các nước phát triển, lượng người nhập cư giảm, trong khi tiền kích thích được bơm vào tài khoản ngân hàng và khiến các lao động bản địa muốn chuyển dịch từ các công việc không còn được ưa chuộng như phục vụ đồ ăn nhanh tại thành phố sang các công việc "hot" hơn như nhân viên kho vận. Khắp nơi trên nước Mỹ, các chủ doanh nghiệp "điên cuồng" đi tìm nhân viên mà không tìm được người.

Nhưng Covid-19 chỉ là "phần nổi của tảng băng" và là sản phẩm của 2 lực đẩy sâu sắc hơn. Đầu tiên là quá trình giảm carbon (decarbonisation). Xu hướng chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo đã khiến châu Âu, đặc biệt là nước Anh, trở nên dễ bị tổn thương hơn trước việc giá khí đốt tăng vọt. Vì giá carbon theo chương trình mua bán khí thải của EU tăng cao, các nước châu Âu khó có thể chuyển sang những loại năng lượng bẩn hơn.

Tại Trung Quốc, nhiều địa phương cắt điện luân phiên để chạy đua tới những mục tiêu khắt khe về môi trường. Vì chi phí vận chuyển và giá linh kiện điện tử tăng cao, chi phí vốn để mở rộng công suất cũng tăng. Tuy nhiên vì thế giới đang cố gắng quay lưng với năng lượng "bẩn", động lực để đầu tư dài hạn vào ngành nhiên liệu hóa thạch rất yếu ớt.

Lực đẩy thứ hai là chủ nghĩa bảo hộ. Chính sách thương mại không còn được định hình bởi hiệu quả kinh tế như trước đây mà được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, từ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường cho đến cả mong muốn trừng phạt các đối thủ địa chính trị.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác nhận sẽ tiếp tục duy trì chính sách thuế quan của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, tức mức thuế trung bình áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 19%. Trên toàn thế giới, chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm. Nước Anh thiếu tài xế xe tải một phần do Brexit. Ấn Độ thiếu than một phần do nỗ lực giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau nhiều năm căng thẳng bao trùm hoạt động thương mại, dòng chảy đầu tư xuyên biên giới của các doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa so với thời điểm 2015.

Kịch bản siêu lạm phát có lặp lại?

Thực trạng hiện nay khiến nhiều người nghĩ đến thời kỳ những năm 1970. Khi đó tại nhiều nơi trên thế giới, người dân xếp hàng dài để mua xăng, lạm phát ở mức 2 con số và kinh tế tăng trưởng rất ì ạch. Tuy nhiên, bản chất của câu chuyện ngày nay không giống như vậy.

Cách đây nửa thế kỷ, các chính trị gia đã thi hành các chính sách kinh tế sai lầm. Họ chống lại lạm phát bằng những biện pháp như kiểm soát giá cả cứng nhắc, thậm chí còn hối thúc người dân hãy tự trồng rau ăn. Ngày nay, mặc dù các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thống nhất về cách dự báo lạm phát, tất cả đều nhất trí rằng các NHTW có khả năng và nghĩa vụ kiểm soát lạm phát.

Ở thời điểm hiện tại, khó có khả năng xảy ra kịch bản mất kiểm soát lạm phát. Giá năng lượng được dự báo sẽ hạ nhiệt sau khi mùa đông qua đi. Sang năm 2022, vaccine được phủ rộng hơn và tiềm năng của những phương pháp điều trị mới sẽ giúp giảm thiểu những điều bất thường mà đại dịch gây ra. Người tiêu dùng có thể chi nhiều hơn cho dịch vụ thay vì hàng hóa như hiện nay. Chi ngân sách cũng sẽ giảm xuống.

Nguy cơ thị trường bất động sản xì hơi ở Trung Quốc đồng nghĩa lực cầu có thể giảm. Và một số ngành đã tăng cường đầu tư, cuối cùng sẽ chuyển hóa thành tăng sản lượng và năng suất.

Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu nói rằng các lực đẩy sâu sắc phía sau nền kinh tế thiếu thốn hiện nay sẽ sớm biến mất, cũng như khẳng định các chính trị gia sẽ dễ dàng thu lại những chính sách chưa từng có tiền lệ. Ngày nào đó, các công nghệ như hydrogen sẽ khiến năng lượng xanh ổn định hơn. Hiện giá xăng và giá điện đang tăng mạnh nên tiến trình chuyển sang năng lượng tái tạo gặp một số cản trở. Tuy nhiên, nếu như các chính phủ không thực sự nghiêm túc với phát triển bền vững và năng lượng xanh, thế giới sẽ phải trả giá đắt.

Nền kinh tế thiếu thốn làm tăng sức hấp dẫn của chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng nhà nước can thiệp thô bạo vào nền kinh tế. Nhiều cử tri đổ lỗi cho chính phủ đã gây ra khủng hoảng năng lượng và tình trạng các kệ hàng trống trơn. Một số chính trị gia có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho chuỗi cung ứng mong manh, sau đó thuyết phục cử tri bằng những hứa hẹn về khả năng tự lực tự cường. Nhưng trên thực tế, đó là sai lầm lớn sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc trong dài hạn.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên