Thịt heo, gà Việt tự tin xuất ngoại
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm; mở ra triển vọng lớn với ngành chăn nuôi Việt Nam.
- 28-06-2018Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh
- 23-06-2018Ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ thịt heo
- 13-06-2018Việt Nam có thể sản xuất 2,8 triệu tấn thịt lợn trong năm 2018
Tiếp sau việc Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt gà sang Nhật, tuần qua, Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản đã công bố hợp tác xuất khẩu thịt heo tươi (heo cấp đông) Việt Nam sang thị trường Myanmar với khoảng 26 tấn mỗi tháng. Đây là doanh nghiệp (DN) đầu tiên tại Việt Nam chính thức xuất khẩu thành công thịt heo tươi ra nước ngoài.
Nhiều đại gia nhập cuộc
Theo ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 (phụ trách kiểm dịch xuất khẩu vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và TP HCM), tính từ lô đầu tiên xuất khẩu vào tháng 8-2017 đến hết tháng 5-2018, sản lượng thịt gà xuất khẩu của Việt Nam đi Nhật đã đạt hơn 638 tấn. Trong đó, riêng 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng xuất khẩu đạt 500 tấn và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đơn vị xuất khẩu là Công ty TNHH Koyu & Unitek. Mỗi tháng, công ty này xuất gần 100 tấn sản phẩm chế biến từ thịt gà sang Nhật. Tất cả các lô hàng đều được kiểm dịch động vật trước khi xuất khẩu và được phía Nhật kiểm tra khi nhập khẩu và đều đạt yêu cầu, không có lô hàng nào vi phạm về an toàn dịch bệnh hay an toàn thực phẩm.
Chế biến thịt gà xuất khẩu tại Công ty Koyu & Unitek Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Khưu Nhơn Hiếu, Giám đốc Công ty Koyu & Unitek, cho biết năm ngoái, công ty đưa vào hoạt động một dây chuyền chế biến thịt gà tại Đồng Nai với công suất 110 tấn/tháng. Dây chuyền này chỉ chế biến các sản phẩm thịt gà chiên để xuất khẩu sang Nhật. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gà chế biến tại Nhật đang phát triển tốt, không chỉ sản phẩm chiên mà còn cả thịt gà nướng và luộc. Do đó, công ty tiếp tục đầu tư thêm 2 dây chuyền và cơ quan thú y của Nhật đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang Nhật từ tháng 6 này. Với 3 dây chuyền sản xuất đã nâng tổng công suất chế biến lên 330 tấn/tháng. Cũng theo ông Hiếu, thời gian tới, công ty sẽ đầu tư lắp đặt thêm nhà máy sản xuất để nâng công suất lên hơn 1.000 tấn/tháng mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Một số doanh nghiệp chế biến thịt gia súc, gia cầm khác cũng đang ráo riết chuẩn bị để sớm có sản phẩm xuất ngoại. Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết đang xây dựng nhà máy hiện đại tại Bình Phước để phục vụ cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà sang Nhật. Tổ hợp khép kín hoàn toàn từ nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trại gà bố mẹ, trại chăn nuôi gà thịt, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến. Giai đoạn đầu vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD, với công suất 50 triệu con/năm; giai đoạn 2 tăng lên 100 triệu con.
Theo C.P. Việt Nam, trước khi xây dựng nhà máy, công ty đã đàm phán, ký kết với nhiều khách hàng nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm. Dự kiến, giai đoạn đầu mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng vài ngàn tấn sản phẩm chế biến các loại, sau đó tăng dần lên vài chục ngàn đến cả trăm ngàn tấn/tháng.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân, cho biết Ba Huân đang tìm kiếm đối tác để xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Việc này sẽ được triển khai nhanh vì các tiêu chuẩn của DN đều đã được đáp ứng cho xuất khẩu.
Lo thiếu nguồn cung
Nhu cầu thịt heo, gà công nghiệp tại nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu rất lớn nhưng thực tế chỉ có những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới tham gia xuất khẩu, riêng năng lực của các DN Việt trong lĩnh vực này khá hạn chế. Giám đốc một công ty chăn nuôi có trụ sở tại Đồng Nai cho biết bước đầu DN chỉ có thể cung cấp gà lông cho chuỗi xuất khẩu để học hỏi dần kinh nghiệm. Muốn xuất khẩu trực tiếp cần phải đầu tư lớn hơn cho cả chuỗi từ nguyên liệu đến nhà máy chế biến, nghiên cứu thị trường nên công ty chưa dám mạo hiểm.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho rằng không nên lo lắng về việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa có dấu ấn DN Việt. "Đây là xu hướng tất yếu của phát triển. Ban đầu có thể DN Việt gia công cho DN FDI nhưng sau đó họ sẽ học tập và xuất khẩu trực tiếp. Trước mắt người Việt cũng hưởng được tiền gia công, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động " - ông Ngãi nhận xét.
Trong khi đó, việc các sản phẩm thịt gà xuất sang Nhật ngày càng tăng lại là nỗi lo cho DN xuất khẩu vì phải tìm thêm các trang trại chăn nuôi gà đáp ứng tiêu chuẩn thời điểm này không hề dễ. Lý do ngành chăn nuôi Việt Nam chưa khống chế được các dịch bệnh phổ biến như cúm gia cầm, lở mồm long móng trên heo. Một số nước không chấp nhận heo gà tiêm vắc-xin nên các cơ sở chăn nuôi phục vụ xuất khẩu phải sử dụng con giống sạch bệnh, quá trình nuôi phải bảo đảm an toàn, không tồn dư hóa chất, kháng sinh trên vật nuôi.
Theo ông Bạch Đức Lữu, sau thời gian thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hiện mới có 600 cơ sở chăn nuôi gia cầm được chứng nhận an toàn dịch bệnh với cúm gia cầm và bệnh Newcastle, hơn 500 cơ sở chăn nuôi heo an toàn bệnh lở mồm long móng và dịch tả. Đây là vùng nguyên liệu để DN kết nối với các cơ sở giết mổ, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm hình thành chuỗi để xuất khẩu.
Trại gà thịt đầu tiên đạt GlobalGAP
Hệ thống trang trại miền Đông gồm 36 chuồng gà tại Đồng Nai tham gia chuỗi liên kết cung cấp gà cho Công ty Koyu & Unitek để chế biến xuất khẩu sang Nhật. Hệ thống này cung cấp lượng gà thịt cho xuất khẩu tăng liên tục từ 2,8 triệu con/năm nay tăng lên 4 triệu con/năm theo tiêu chí không kháng sinh tồn dư, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, không chất cấm, kiểm soát chặt chẽ bệnh cúm, E.coli, Salmonella.
Mới đây, trang trại được tổ chức Control Union cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho gà thịt. Chứng nhận này được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn trên thế giới. Sản phẩm GlobalGAP được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.
Người lao động