MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn: Phải đảm bảo an toàn cho thị trường

Việc thoái vốn nhà nước khỏi những doanh nghiệp lớn đã được Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho thị trường. Việc bán vốn phải có lộ trình. Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính- ông Đặng Quyết Tiến trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết cho rằng bán vốn nhà nước là chuyện hệ trọng, vì thế phải hết sức cẩn trọng.

PV: Thưa ông, cuối năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chào bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tương ứng 9% vốn điều lệ của Vinamilk. Song kết quả SCIC chỉ bán được khoảng 60% số lượng cổ phiếu chào bán. Như vậy, việc bán vốn nhà nước trong doanh nghiệp không đơn giản?

Ông Đặng Quyết Tiến: Hoạt động bán vốn tại Vinamilk như vừa qua đúng là không thành công chứ không phải “ế”. Chúng ta bán theo hướng có sự khống chế nhất định, đây gọi là bán thử nghiệm từng bước một. Và tới đây có thể bán hết số cổ phần còn lại của Nhà nước tại Vinamilk và bán với khối lượng lớn hơn cho nhà đầu tư, song sẽ phải rút kinh nghiệm về khâu giá bán.

Việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp lớn Vinammilk, Habeco, Sabeco, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho thị trường. Do đó, việc bán phải có lộ trình. Ví dụ như với trường hợp Vinamilk, các nhà đầu tư bảo bán tất đi nhưng bán ra hết thì thị trường sẽ không hấp thụ được, không khéo thị trường quay lưng lại với các sản phẩm khác. Chính vì thế, cần phải đảm bảo công tác thoái vốn không làm xáo trộn đến thị trường.

Việc bán vốn Nhà nước không thể thực hiện như giao dịch khớp lệnh, bán vốn Nhà nước chứ không phải chuyện bình thường, do vậy phải cẩn trọng, phải qua các bước định giá, xác định lượng vốn thoái ra, đấu giá công khai và theo thị trường đảm bảo đúng pháp luật. Trong công tác đấu giá công khai phải đảm bảo được tính minh bạch, minh bạch từ khâu thuê tư vấn cho đến khâu tổ chức bán cổ phần.

Giới quan sát cho rằng, vẫn luôn có lỗ hổng trong cổ phần hóa, ý kiến của ông về việc này?

- Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quá trình của sự phát triển. Các nghị định cũng luôn điều chỉnh thay đổi để phù hợp thực tế từ làm thí điểm, rồi làm theo thị trường. Đến nay quá trình cố phần hóa có nhiều cái mới và đã phù hợp với doanh nghiệp lớn. Tất nhiên quá trình triển khai vẫn có thể điều chỉnh để tốt hơn.

Hiện nay có 3 phương thức bán cổ phần lần đầu: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp. Được biết Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần có bổ sung thêm phương pháp dựng sổ. Ông có thể chia sẻ thêm về điểm mới này?

- Phương thức dựng sổ để bán cổ phần này khá phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Đối với số cổ phần chưa bán hết (bao gồm cả số cổ phần chưa bán hết cho các nhà đầu tư chiến lược) được hướng dẫn cụ thể.

Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp khi cổ phần, rất khó lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược?

- Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thời gian tới sẽ phải theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư.

Điều đó phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước); thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp (xác định như cổ đông sáng lập); đồng thời quy định cụ thể tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là công tác định giá doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động tư vấn định giá doanh nghiệp thời gian qua?

- Theo quy định từ trước đến nay, kết quả công bố giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện đấu giá bán cổ phần; đồng thời doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh số sách kế toán theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã công bố.

Việc doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại ngay sẽ tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp cổ phần mới do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này doanh nghiệp vẫn sử dụng như khi là DNNN.

Đối tượng cổ phần hoá trong thời gian tới là các doanh nghiệp có quy mô lớn và hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đặc thù. Vậy có cần có thêm một tổ chức, thưa ông?

- Đúng vậy, các doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian tới là các doanh nghiêp lớn. Do vậy phía Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định chuyển đổi từ DNNN sang công ty cổ phần cũng bổ sung thêm nội dung Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các tồn tại về tài chính trong giai đoạn này đối với công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; Các DNNN (bao gồm công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và các công ty TNHH một thành viên do các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp từ 5.000 tỷ đồng trở lên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thúy Hằng ( thực hiện)

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên