Thời điểm tăng lương tối thiểu: Chờ Chính phủ quyết định
Sau khi 8 hiệp hội cùng kiến nghị các cấp ngành lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo kết quả phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1/7 năm nay sang ngày 1/1/2023, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới thời điểm tăng lương.
- 19-04-2022Từ ngày 1/7, ai có thể được tăng lương 6%?
- 17-04-20228 hiệp hội kiến nghị lùi thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu vùng
- 17-04-2022Vì sao lương không tăng, giá cả và thuế thu nhập cá nhân lại tăng?
Dù còn nhiều ý kiến về tăng lương tối thiểu vùng sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng 6% từ ngày 1/7 tới, nhưng chủ yếu liên quan tới thời điểm tăng lương. Hiện các bên liên quan và chuyên gia đều đồng thuận cần tăng lương tối thiểu vùng sau gần 2 năm chưa tăng, chỉ còn chuyện tăng từ thời điểm nào cho phù hợp, vừa chia sẻ với người lao động (NLĐ), nhưng cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho hay, Hội đồng tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đa số đồng thuận. Tại phiên họp thứ 2 vừa qua, tất cả 17 thành viên đều bỏ phiếu đồng ý tăng lương tối thiểu thêm 6%, trong đó có 15 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/7/2022, còn 2 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/1/2023.
Do đó, Hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7, và có thể kèm thêm báo cáo nội dung các phiên thảo luận, ý kiến các bên để tham khảo.
“Hội đồng tiền lương theo thẩm quyền sẽ báo cáo kết quả phiên họp và kiến nghị lên Chính phủ. Còn việc quyết định tăng hay không, thời điểm nào sẽ theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định do Thủ tướng ban hành”, ông Phòng nói.
Về kiến nghị lùi thời điểm tăng lương đến ngày 1/1/2023, theo ông Phòng, không phải giờ mới có kiến nghị. Trước đó các DN, hiệp hội đã kiến nghị. Những khó khăn, vướng mắc với DN đã được trao đổi thẳng thắn tại phiên họp của hội đồng.
“Tuy nhiên, sau khi đánh giá tính cấp bách của vấn đề tăng lương, cũng như các phát sinh, vướng mắc liên quan, sau khi cân nhắc đa số thành viên hội đồng thấy cần phải tăng lương từ 1/7, nên đa số đồng ý thông qua”, ông Phòng nói thêm.
Theo ông Phòng, vấn đề còn lại là sự chia sẻ giữa NLĐ và người sử dụng lao động. VCCI sẽ tiếp tục động viên DN nỗ lực cân đối nguồn để tăng lương và giải quyết các phát sinh nếu phương án tăng lương từ 1/7 được cấp thẩm quyền ban hành.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng cho rằng, thời điểm tăng lương là ngày 1/7 tới hay đầu năm sau đã được các thành viên Hội đồng tiền lương đưa ra bàn thảo kỹ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm chưa tăng lương do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến DN khó khăn, giờ kinh tế phục hồi, cũng cần điều chỉnh kịp thời để chia sẻ cuộc sống khó khăn của NLĐ. Từ đó, Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua tăng lương từ ngày 1/7.
Theo ông Quảng, điều tra mới đây của Tổng liên đoàn cho thấy, trong số DN được khảo sát, có 52% DN thiếu lao động, có 56% NLĐ được hỏi cho biết phải làm thêm giờ và tăng ca mới đủ trang trải cuộc sống. Do đó, việc tăng lương tối thiểu không chỉ bù đắp phần nào chi phí cuộc sống tăng cao, lạm phát, còn là giải pháp để thu hút NLĐ trở lại làm việc sau giai đoạn dịch bệnh.
“NLĐ thấy lương tăng, thu nhập có thể cao hơn mới sẵn sàng rời quê trở lại phố làm việc”, ông Quảng nói.
Một chuyên gia lao động (xin giấu tên) cho rằng, dịch COVID-19 khiến cả NLĐ và DN đều khó khăn, nhà nước đều có chính sách hỗ trợ với cả 2 bên. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận DN có tồn tại và phát triển mới duy trì và tạo thêm việc làm, đặc biệt các ngành nghề thâm dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày, điện tử...
“Nói rằng DN đã trả lương cao hơn lương tối thiểu, nên tăng lương tối thiểu ít ảnh hưởng DN, nhưng thực tế không hẳn vậy, vì NLĐ thấy thời điểm tăng lương mà thu nhập của mình vẫn không tăng sẽ phát sinh tranh chấp lao động, đặc biệt khu vực phía Nam. Do đó, dù mức lương nào, khi lương tối thiểu tăng, cơ bản các DN đều phải tăng cho NLĐ, dù ít hay nhiều. Chưa kể tăng lương tối thiểu còn làm tăng thêm các chi phí khác như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn tính theo lương”, vị chuyên gia trên nói.
Vị chuyên gia trên ủng hộ phương án tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2023, để vừa chia sẻ khó khăn với DN đang dần phục hồi, vừa có thêm thời gian chuẩn bị, phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh vốn được xây dựng cho cả năm tài chính.
Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, 8 hiệp hội, ngành hàng đã cùng ký văn bản kiến nghị các ngành, Thủ tướng xem xét lùi thời điểm tăng tới ngày 1/1/2023 (thay vì tăng ngay từ 1/7 tới).
Tại phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu bình quân thêm 6% từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Cụ thể:
Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới hết năm 2023.
Tiền phong