MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti

08-09-2023 - 19:31 PM | Doanh nghiệp

Sau khi vươn lên vị trí số 1 về thị phần di động tại Haiti, Viettel Haiti (Natcom) tiếp tục hành trình theo đuổi mục tiêu vươn lên vị thế nhà mạng số 1 tại quốc đảo Caribe này. Trong đó, ngoài nguồn động lực tăng trưởng chính từ viễn thông, Natcom cũng mở rộng không gian phát triển mới từ dịch vụ ví điện tử Natcash.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 1.

“Người ta thường nói về 12 con giáp, tức 12 năm là hết một vòng quay. Natcom đã 12 tuổi và với nền tảng đã tích lũy cùng sự tự tin và đoàn kết một lòng, đây sẽ là vòng quay mới của chúng tôi” – CEO Nguyễn Huy Dung của Natcom (Viettel Haiti) tự tin khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn trước thềm kỷ niệm của công ty.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 2.

Thưa ông, được biết dự kiến năm 2023, Natcom sẽ đạt được mục tiêu vươn lên số 1 về thị phần di động. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Tính đến hết tháng 8, Natcom đã gần đạt mục tiêu vươn lên số 1 thị trường di động tại Haiti với thị phần khoảng 49,6%. Dự kiến hết tháng 10, chúng tôi sẽ đạt được vị trí số 1 với thị phần khoảng hơn 50%, chỉ vượt hơn một chút so với nhà mạng số 1 trước đó. Phải đến cuối năm, vị trí số 1 mới có thể củng cố tương đối.

Tôi tất nhiên là hạnh phúc, xúc động và tự hào khi mình và các anh em đang dần thực hiện được mục tiêu và khát vọng mà lãnh đạo Tập đoàn Viettel qua các thời kỳ đã đặt ra cho Natcom. Đây là thành quả của tinh thần lao động bền bỉ, không ngại khó khăn, gian khổ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Natcom trong suốt 12 năm qua. Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi được chứng kiến thời khắc lịch sử này tại Haiti, trong nhiệm kỳ của mình.

Tuy nhiên, thị phần số 1 mới chỉ là bước đi đầu tiên. Mục tiêu cao hơn của Natcom là vươn lên vị thế số 1. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ còn phải đứng đầu về doanh thu, quy mô, hạ tầng…, cũng như có đóng góp và vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động kinh tế, xã hội, của người dân và Chính phủ Haiti.

Điều gì đã giúp Natcom đạt được thành tựu ấn tượng như vậy?

Chính là bài học kinh điển “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Thiên thời là Natcom đã nắm bắt được thời cơ và tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng phát triển của công nghệ viễn thông, đặc biệt là sự chuyển dịch sang thuê bao data. Năm 2017, khi Tập đoàn Viettel chính thức khai trương dịch vụ 4G tại Việt Nam thì Natcom cũng đã mạnh dạn triển khai 4G tại Haiti.

Nếu không dịch chuyển từ thoại sang data vào thời điểm đó, Natcom đã không thể rút ngắn khoảng cách về thị phần so với đối thủ - vốn đã có vị thế vững chắc trên thị trường – và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 3.

Vào giai đoạn năm 2022 – 2023, Natcom tiếp tục đầu tư mạnh về 4G. Nhờ đó, doanh thu năm nay ước tính tăng trưởng hơn 30% so với năm trước, cao nhất trong những năm gần đây trong khi thị trường viễn thông quốc tế đã bão hòa, rất nhiều thị trường suy giảm. Con số này kéo dài chuỗi tăng trưởng 2 con số liên tục của Natcom trong 7 năm qua, đó là thành tích mà ít công ty nào đạt và duy trì được.

Địa lợi là khi Natcom giữ vững lợi thế cạnh tranh nhờ chiến lược ổn định giá dịch vụ, đồng thời tìm mọi cách để duy trì chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ. Trong một thời gian dài, Natcom duy trì hình ảnh nhà mạng giá cạnh tranh, ổn định, tử tế và minh bạch với khách hàng. Nhờ vậy mà khách hàng chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ của Natcom nhiều hơn.

Nhân hòa hay yếu tố con người, cũng là điểm quan trọng không kém. Nhân sự của Natcom sinh ra trong khó khăn và trưởng thành cũng trong khó khăn. Mỗi người Natcom đều mang trong mình ý chí cao, sự linh hoạt, thích nghi tốt và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.

Trong môi trường kinh doanh nhiều khó khăn và rủi ro, điều gì đã giúp Natcom ứng phó và duy trì vị thế cạnh tranh về giá cũng như chất lượng dịch vụ?

Haiti là một đất nước còn nhiều khó khăn, các công ty đến đây kinh doanh đều phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với việc con người Natcom vốn sinh ra và lớn lên từ khó khăn, chúng tôi đã có cách ứng phó linh hoạt, thông minh và sáng tạo, giúp ổn định giá dịch vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Ví dụ như việc đảm bảo hoạt động liên tục của mạng lưới, Natcom tự vận hành chứ không thuê ngoài. Tại mỗi địa phương, chúng tôi đều bố trí nhân sự kỹ thuật người Việt bám sát địa bàn để khi xảy ra những biến cố bất ngờ, chúng tôi có thể tiếp cận ngay nơi xảy ra sự cố và nhanh chóng sửa chữa, không để dịch vụ bị ngắt quãng.

Trong 2 năm qua, giá dầu tăng chóng mặt khiến cho chi phí nhiên liệu của các nhà mạng cũng tăng mạnh do chủ yếu dùng máy phát điện chạy dầu. Trong khi đó, Natcom đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, cực kỳ phù hợp với một đất nước quanh năm nắng nóng như Haiti. Nhờ vậy, các trạm thu phát sóng của chúng tôi tối ưu được chi phí năng lượng.

Có thể thấy, chiến lược kinh doanh của Natcom là luôn hướng đến khách hàng, ông có thể chia sẻ một kỷ niệm khó quên về điều này?

Một kỷ niệm đáng nhớ là hồi tháng 7 năm nay, tôi đi công tác tại tỉnh SUD – một tỉnh phía nam của Haiti. Năm 2016, siêu bão Matthew đổ vào Haiti và SUD là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, toàn bộ hạ tầng viễn thông ở đây bị phá hủy. Sau nhiều năm nỗ lực thì hạ tầng cũng được khôi phục nhưng vẫn chưa được như thời điểm trước bão.

Khi đến một địa bàn Corail, là vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh này, chúng tôi vừa dừng xe và bước xuống thì những người dân đang tập trung tại khu cộng đồng đã biết ngay chúng tôi là người Việt Nam, người Natcom. Họ vây xung quanh và hô vang “Natcom, Natcom”. Tôi hiểu rằng họ mong chờ Natcom đã rất lâu và rất mong muốn Natcom sẽ triển khai các trạm BTS để cung cấp dịch vụ di động cho người dân.

Trong mắt họ, Natcom là nhà mạng có chất lượng tốt, giá phù hợp và họ đặc biệt yêu quý thương hiệu này. Sau đợt khảo sát ấy, tôi cũng chỉ đạo và quyết tâm sẽ phát sóng trạm tại khu vực này. Dự kiến sau ba tháng, tức tầm tháng 10 sẽ phát sóng, thực hiện đúng lời hứa với người dân ở đây.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 4.

Từ khi chính thức kinh doanh, nguồn doanh thu của Natcom chủ yếu đến từ dịch vụ di động. Sau khi chinh phục được vị trí số 1 về di động trên thị trường, Natcom sẽ làm gì?

Thực tế, di động vẫn là động lực tăng trưởng chính của Natcom trong ít nhất 2-3 năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có thêm không gian tăng trưởng mới là không gian số.

Chúng tôi xác định năm 2023 tập trung vào phát triển tài chính số, ví điện tử với thương hiệu Natcash. Đây là xu thế của thế giới, là dịch vụ rất tiềm năng, và sẽ là tương lai của Natcom.

Đặc biệt, ở Haiti, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, đi kèm với đó là vấn đề an ninh cũng khiến người dân gặp nhiều rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Vì vậy, khi dịch vụ ví điện tử xuất hiện, giúp người dân có thể chuyển tiền, giữ tiền và nạp rút tiền một cách an toàn và thuận tiện, họ sẽ giảm dùng tiền mặt.

Mặc dù mới kinh doanh được gần 2 năm nhưng số thuê bao Natcash đã chiếm khoảng 25% tổng số thuê bao di động. Đây là một con số rất ấn tượng về phát triển thuê bao đối với các nhà mạng viễn thông.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 5.

Theo số liệu tôi có được, trong hai năm đầu kinh doanh thì tỷ lệ mà thuê bao ví trên thuê bao viễn thông của các nhà mạng chỉ khoảng 10%, con số 25% của Natcash như vậy là hơn gấp đôi trung bình của thị trường.

Đặc biệt trong năm 2023, Natcom đã ký hợp đồng với 4 bộ ban ngành để thực hiện thanh toán cho người dân, cán bộ và các đối tượng thụ hưởng thông qua dịch vụ ví điện tử. Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ Haiti vào năng lực của Natcom, và là tiền đề cũng như cơ hội để Natcom có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ ví điện tử.

Ngoài việc ví điện tử là xu thế của xã hội, ông đánh giá Natcash có lợi thế gì?

Với ví điện tử, chúng tôi cũng đặt mục tiêu vươn lên số 1 trong vòng 3 – 5 năm tới dựa trên lợi thế về nền tảng vững chắc để phát triển tốt dịch vụ này.

Nền tảng đó trước hết là lợi thế về tệp khách hàng di động chiếm tới 50% thị phần, giúp Natcom sử dụng những tiện ích của dịch vụ viễn thông, để phát triển ví điện tử. Doanh nghiệp ví không xuất phát từ nhà mạng sẽ không có lợi thế này.

Thứ hai là sự hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ, tri thức từ các công ty thành viên của Tập đoàn như Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (VTG) hay Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS),- đơn vị chủ trì kinh doanh dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam và các thị trường, cũng như các đơn vị khác.

Thời khắc lịch sử tuổi 12 của Viettel Haiti - Ảnh 6.

Bên cạnh đó là bài học, kinh nghiệm thực chiến phát triển dịch vụ ví điện tử thành công tại các thị trường như Mozambique, Burundi, Tanzania… Điều này tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh, tri thức mà các đối thủ khác không có được.

Thứ ba là nội lực của Natcom với nguồn nhân sự được rèn luyện, cùng ý chí, khát vọng vươn lên trong suốt 12 năm, đã rèn ra binh pháp kinh doanh phù hợp nhất với thị trường Haiti.

Có thể hiểu, phát triển dịch vụ ví điện tử cũng gần như dịch vụ viễn thông. Với dịch vụ viễn thông, yếu tố quan trọng nhất là vùng phủ, thể hiện qua mạng lưới trạm thu phát sóng để khách hàng có thể dùng dịch vụ viễn thông. Còn với dịch vụ ví, đó là mạng lưới agent để người dùng có thể được hỗ trợ rút, nạp tiền một cách thuận lợi nhất. Hiện nay chúng tôi đã phát triển được hơn 10.000 agent, về cơ bản đã phủ sâu rộng đến từng địa bàn của Haiti.

Nhân dịp sinh nhật 12 năm của công ty, ông muốn chia sẻ điều gì?

Năm 2023 là năm bản lề cho sự phát triển của Natcom, là năm nền tảng giúp công ty tạo ra nền móng vững chắc để tự tin bước sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn. Việc vươn lên vị trí số một sẽ củng cố sự tự tin, quyết tâm của cán bộ nhân viên Natcom cũng như sự tin tưởng từ Tập đoàn Viettel, của chính phủ 2 nước, của người dân về năng lực của Natcom.

Và câu chuyện tiếp theo vẫn là thông điệp xuyên suốt “We are one!”. Ở đây, Natcom phải chuyển từ thị phần số 1 về di động, sang vị thế số 1 tại Haiti. Điều này không chỉ tính trên các chỉ số kinh doanh như thị phần, tài chính… mà cả trong mối quan hệ với Chính phủ, trong việc thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, từ đó có thể tạo ra các đột phá tích cực trong kinh tế - xã hội của Haiti.

Cảm ơn ông !

Theo Thu Hà

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên