MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thói quen ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị tiểu đường cần chú ý 6 điều

09-08-2021 - 20:22 PM | Sống

Thói quen ngâm chân có thể đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên người bị tiểu đường cần chú ý nhiều hơn khi thực hiện việc này để đạt hiệu quả mà không có tác dụng phụ.

Người tiểu đường có nên ngâm chân không? Vương Tố Mai (Bệnh viện phương Đông, thuộc đại học Đông y Bắc Kinh) chỉ ra 6 điểm quan trọng mà người bị tiểu đường cần lưu ý khi muốn thực hiện việc ngâm chân.

Lựa chọn dụng cụ ngâm chân thích hợp

Theo bác sĩ Vương Tố Mai , người bị tiểu đường trước khi thực hiện ngâm chân cần phải chọn dụng cụ phù hợp với mình. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm khác nhau, từ chậu ngâm chân bằng gỗ, bằng nhựa cho đến chậu điện tử.

Tuy nhiên khuyến cáo người bệnh không nên dùng loại chạy bằng điện vì khi gặp sự cố, nhiệt độ nước thay đổi mà không kịp xử lý càng dễ gây nguy hiểm.

Thói quen ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị tiểu đường cần chú ý 6 điều - Ảnh 1.

Người bị tiểu đường nên dùng chậu gỗ ngâm chân để tránh sự cố do điện gây ra

Thói quen ngâm chân không hề đòi hỏi dụng cụ quá cầu kỳ, tốt nhất vẫn là dùng chậu bằng gỗ, vừa thân thiện với môi trường, độ bền cao, giữ nhiệt tốt mà còn phù hợp với hầu hết đối tượng, kể cả người đang bị tiểu đường hay có các vấn đề sức khỏe khác.

Chú ý nhiệt độ nước là vô cùng quan trọng

Thông thường người bị tiểu đường sẽ xuất hiện vấn đề về mạch máu, đồng thời tuần hoàn máu cũng kém đi, khiến cho một lượng lớn khí nóng tập trung ở chân không dễ tản đi, nếu không chú ý nhiệt độ nước khi ngâm chân sẽ dễ làm tình hình nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng giảm đi độ nhạy cảm với độ nóng, thường gây khó khăn trong việc tự mình kiểm tra nước trước khi ngâm chân, tăng nguy cơ bị bỏng nhiều hơn. Vì vậy, tốt nhất là người thân nên giúp đỡ trong khâu chuẩn bị nước để tránh sự cố. Nhiệt độ nước nên ở khoảng 37 độ C là tương đối phù hợp.

Thói quen ngâm chân tốt nhất với người bị tiểu đường là không dùng thảo dược

Không ít người vì muốn đạt được hiệu quả dưỡng sinh nên rất thích cho vào nước ngâm chân một ít thảo mộc, có thể là loại tươi hoặc đóng gói sẵn. Tuy nhiên đối với người bị tiểu đường thì không cần thiết vì có khả năng không tương thích với một số người.

Thói quen ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị tiểu đường cần chú ý 6 điều - Ảnh 2.

Thói quen ngâm chân tốt cho người bị tiểu đường là sử dụng nước ấm đơn thuần, không cần thêm thảo dược

Nếu loại thảo mộc hay bất cứ nguyên liệu nào sử dụng mà có tác dụng "xung đột" với bệnh trạng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và cản trở hiệu quả kiểm soát bệnh tiểu đường. Đơn giản nhất vẫn là chỉ dùng nước ấm đơn thuần để ngâm chân, vừa đảm bảo an toàn mà vẫn có hiệu quả tốt.

Kiểm tra tình trạng của chân trước khi ngâm

Thói quen ngâm chân được áp dụng phổ biến nhưng lại ít có người chịu khó kiểm tra tình trạng bàn chân trước khi tiến hành. Khi cơ thể bạn lành lặn, khỏe mạnh thì có thể không đáng ngại, nhưng nếu bạn đang bị tiểu đường thì không nên bỏ qua bước này để đảm bảo an toàn hơn.

Khi chân có vết thương dù là rất nhỏ, khó phát hiện mà vẫn ngâm chân như thường lệ sẽ dễ xảy ra tình trạng viêm nhiễm ở vết thương, gây không ít phiền phức đối với người đang mắc bệnh.

Thậm chí các chuyên gia sức khỏe còn khuyên rằng người bệnh tiểu đường không nên tự ý xử lý thương tích mà nên đến bệnh viện để được kiểm tra, điều trị đúng cách.

Thói quen ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị tiểu đường cần chú ý 6 điều - Ảnh 3.

Người bị tiểu đường cần kiểm tra bàn chân xem có vết thương hay không để tránh bị viêm nhiễm do quá trình ngâm chân

Kiểm soát thời gian ngâm chân

Ngâm chân trước khi ngủ luôn là lựa chọn lý tưởng giúp cơ thể lẫn tinh thần được thả lỏng, dễ đi vào giấc ngủ và đạt hiệu quả dưỡng sinh. Người bị tiểu đường ngâm chân không có gì trở ngại nhưng cần chú ý thời gian thực hiện, tốt nhất chỉ nên ngâm chân trong khoảng 15 phút là đủ. Người có thể chất suy nhược hoặc có thêm bệnh tim, mạch máu thì nên rút ngắn thời gian này lại.

Ngoài ra, khi đang đói hay no cũng không thích hợp ngâm chân vì có thể khiến cho huyết dịch tập trung ở chân, trong khi máu ở dạ dày không đủ cung cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, cũng khiến dạ dày và đường ruột khó chịu.

Massage nhẹ nhàng sau khi ngâm chân

Người bị tiểu đường sau khi ngâm chân với nước ấm có thể dùng khăn lông mềm mại bao bọc chân để thấm nước. Đồng thời bạn có thể tiến hành chà xát nhẹ nhàng ở các kẽ ngón chân và khắp bàn chân để massage, giúp lưu thông mạch máu và thư giãn cho các cơ.

Thói quen ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị tiểu đường cần chú ý 6 điều - Ảnh 4.

Sau khi ngâm chân nên dùng khăn lông thấm nước và massage nhẹ nhàng giúp lưu thông máu và làm mềm da

Ngoài ra, bạn còn có thể kết hợp với sử dụng một số sản phẩm dưỡng và làm ẩm da sau khi thực hiện để tránh tình trạng da bị khô ráp, đau râm ran. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn sữa dưỡng da phù hợp với tình trạng bệnh của mình, tránh gây tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Familydoctor

Theo Lạc Tâm

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên