MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 nữ Chủ tịch HĐND tỉnh hiện nay là những ai?

02-03-2016 - 08:11 AM | Xã hội

Hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với mục tiêu 35% cán bộ nữ trong các cơ quan dân cử, Infonet.vn xin điểm lại số ít nữ Chủ tịch HĐND tỉnh hiện nay.

Thành phố Hà Nội

Sau cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, bà Ngô Thị Doãn Thanh đã được bầu làm Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội. Bà Ngô Thị Doãn Thanh sinh năm 1957, quê Hà Nội, có bằng cử nhân sư phạm, thạc sĩ quản lý giáo dục.

Tới tháng 3/2015, bà Ngô Thị Doãn Thanh, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội được Bộ Chính trị điều động làm Phó trưởng Ban dân vận Trung ương.

Tháng 5/2015, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 12, bỏ phiếu bầu bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Chủ tịch HĐND.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc sinh năm 1961, quê quán tại xã Đông Quang (Ba Vì, Hà Nội), từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1, là cử nhân Luật, có trình độ chính trị cao cấp.

Thành phố Hồ Chí Minh

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sinh năm 1958, quê Tây Ninh. Bà Quyết Tâm được bầu là Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016.


 Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm

Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Tâm có trình độ Cử nhân Tài chính Tín dụng, Cử nhân Hành chính, Cử nhân Lịch sử Đảng, Cao cấp Lý luận chính trị.

Trong quá trình làm Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tâm được biết đến là một lãnh đạo nhiều tâm huyết của Thành phố, sẵn sàng nói thẳng nói thật trước các vấn đề nóng trong dư luận.

Người tiền nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh của bà Tâm cũng là một lãnh đạo nữ. Đó là bà Phạm Phương Thảo, sinh năm 1952, quê ở Bạc Liêu.

Lai Châu

Bà Giàng Páo Mỷ sinh năm 1963, là người dân tộc Mông.

Là Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2011-2016, bà Giàng Páo Mỷ đã chỉ đạo kịp thời về các vấn đề quan trọng của địa phương.


 Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ

Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ

Bà Giàng Páo Mỷ hiện nay cũng là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, bà Giàng Páo Mỷ đã trúng cử vào Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 12.

Trà Vinh

Ngày 4/8/2014, HĐND tỉnh Trà Vinh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tổ chức kỳ họp thứ 14 (bất thường), xem xét miễn nhiệm và bầu mới chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

HĐND tỉnh Trà Vinh đã thống nhất thông qua đơn xin miễm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh của ông Dương Hoàng Nghĩa vì lý do đủ tuổi nghỉ hưu.


 Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Sơn Thị Ánh Hồng

Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Sơn Thị Ánh Hồng

Các đại biểu HĐND tỉnh Trà Vinh cũng thống nhất giới thiệu và bầu bà Sơn Thị Ánh Hồng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh khóa VIII.

Bà Sơn Thị Ánh Hồng sinh năm 1963, quê ở phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Với việc trở thành Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, bà Sơn Thị Ánh Hồng cũng góp phần tăng cường đội ngũ lãnh đạo nữ hiện nay.

Vĩnh Phúc

Bà Hoàng Thị Thúy Lan sinh năm 1966, quê tại Vĩnh Phúc hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.


 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan

Tháng 2/2015 tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 29 nhiệm kỳ 2010 – 2015 bà Hoàng Thị Thúy Lan được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Tháng 10/2015 tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015- 2020, bà Lan tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy.

Như vậy trong số 5 lãnh đạo nữ đề cập trong bài này chỉ có duy nhất bà Lan cùng lúc đảm nhiệm 2 chức vụ quan trọng là Chủ tịch HĐND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy.

Theo Liên minh Nghị viên Thế giới, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I lên 24,4% khóa XIII.

Tuy đã có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ 24,4% vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ với con số 35% nữ đại biểu tham gia vào cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 được đề ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, phụ nữ chủ yếu đảm nhận các chức vụ như Ủy viên thường trực, các cấp Phó, hiện chỉ có 4/63 tỉnh có nữ làm Chủ tịch HĐND.

Việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nam và nữ trong hoạt động chính trị là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới và tiến tới một xã hội tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.

Theo Ngọc Khánh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên