6 tỉnh điều chỉnh địa giới hành chính, tiền ở đâu?
"Có thể vẫn đồng ý thôi, nhưng tôi thực sự lo lắng", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/5.
Tại đây, có tới 6 đề án điều chỉnh địa giới hành chính được thảo luận.
6 tỉnh, 26.000 tỉ
Gồm, đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Các đề án thành lập: thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, ở các phiên họp tháng 3 và tháng 4 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã liên tiếp bàn thảo và biểu quyết các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính của nhiều địa phương. Và các câu hỏi về huy động nguồn lực đầu tư cho việc chia tách, nâng cấp luôn được đặt ra.
Lần này, báo cáo của nhóm nghiên cứu và một số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu làm rõ tính khả thi của việc huy động vốn đầu tư của 6 tỉnh nói trên, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng.
Chính phủ giải trình là sau khi rà soát, tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh vốn đầu tư cho việc mở rộng thị xã Sầm Sơn giai đoạn 2016-2020 là khoảng 10.000 tỷ đồng thay cho 31.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh cần khoảng 26.000 tỷ đồng.
Đây chỉ là mức dự toán kế hoạch huy động vốn của các địa phương. Trên thực tế việc huy động vốn đầu tư ở các địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, sự phát triển kinh tế - xã hội và chính sách thu hút đầu tư ở các địa phương giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày.
Dẫn báo cáo của các tỉnh, ông Bình cho hay, vốn ngân sách Trung ương chủ yếu là vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương cho tỉnh hằng năm để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Vốn ngân sách địa phương chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị và chỉnh trang trụ sở làm việc theo kế hoạch đầu tư công hàng năm của tỉnh. Vốn từ doanh nghiệp chủ yếu đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn...
Bộ trưởng Bình cũng quả quyết là sẽ không tăng biên chế khi điều chỉnh địa giới hành chính.
Chính phủ khẳng định biên chế không tăng nhưng chi phí trả lương là tăng, chưa nói đến việc xây trụ sở mới, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu.
Lấy tiền ở đâu?
Nhận xét là mấy phiên họp gần đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bàn về điều chỉnh địa giới hành chính, ông Sơn cũng nói thêm là ông biết trên bàn Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng còn nhiều tập hồ sơ liên quan đến vấn đề này nữa.
Với vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng, cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra các vấn đề liên quan đến tài chính trước khi trình Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh là ông vẫn rất lo lắng, nỗi lo mang tính nghề nghiệp.
Đồng ý về mặt nguyên tắc là sau khi thành lập các đơn vị hành chính mới thì không thể để các trụ sở cơ quan mới nhếch nhác được, song ông Hiển băn khoăn, vì sau khi điều chỉnh thì cần số lượng tiền rất lớn, với số lượng này thì không hiểu lấy nguồn lực ở đâu?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói sẽ tính toán, nhưng phải xác định đây là các đề án lớn và nguyên tắc là phải rõ nguồn lực huy động ở đâu, ngân sách Trung ương bao nhiêu và ngân sách địa phương là bằng nào. Nếu cứ đồng ý rồi sau đó nguồn lực được chỉ ra là sẽ xin Trung ương là trái với quy định, ông Hiển lo ngại.
Cũng như nhiều vị khác đã bày tỏ là những lần trước đã đồng ý, lần này không đồng ý thì không công bằng, ông Hiển nói có thể vẫn biểu quyết đồng ý thôi, nhưng thực sự lo lắng.
Ông đề nghị các lần tới khi tiếp tục trình các đề án điều chỉnh địa giới hành chính thì Chính phủ cần phải tính kỹ, tránh tình trạng như một số công trình dự án khác, quyết xong rồi hỏi tiền đâu không có thì sẽ dẫn đến lãng phí.
"Sự cần thiết thì các anh nói là hay lắm rồi, nhưng phải tính tới nguồn lực, tài chính không có sẽ đứng trước những vấn đề rất khó khăn", ông Hiển chốt lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn ngân sách Trung ương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu lên tiếng.
Ông Thu giải thích, trong 26 nghìn tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư của 6 tỉnh nói trên thì tiền từ ngân sách Trung ương chỉ có 1.700 tỷ đồng, còn phần chính thuộc về ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.
Riêng về ngân sách Trung ương thì nhu cầu 1.700 tỷ hoàn toàn có thể cân đối được trong 5 năm tới. Các dự án đều có tên có tuổi cụ thể và có rất nhiều dự án đang đầu tư dở dang thì sẽ tiếp tục đầu tư.
“Chúng tôi đã tính toán, tất cả các tỉnh đều còn dư địa bố trí để đầu tư mới, nếu sắp các dự án này vào kế hoạch trung hạn thì hoàn toàn khả thi”, ông Thu “mách nước” cho các địa phương.
Phân tích của ông Thu cũng nhận được sự đồng tình của vị dại diện Bộ Tài chính có mặt tại phiên họp.
Phát biểu sau đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng nên có sự cam kết của địa phương về vấn đề cân đối nguồn lực để phòng sau này phát sinh thì có hướng xử lý. Và các đề án khi thẩm tra thì nên có ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách liên quan đến nguồn vốn đầu tư.
Theo Nguyễn Lê