MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ai đồng ý cho giá cước như thế mà giờ lại nói cao?”

16-09-2015 - 08:50 AM | Xã hội

Cơ quan quản lý cần nhận thấy vai trò của mình trước, cần cơ quan khảo sát đánh giá nghiên cứu thực sự giá xe, giá cước, khấu hao như vậy đã phù hợp hay chưa, ai đã đồng ý với giá cước như vậy mà giờ nói là cao, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đặt câu hỏi.

Trước một số ý kiến chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong ba tháng vừa qua.

Đồng thời, sau mỗi lần giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm các Bộ, ngành như Tài chính, Giao thông vận tải cũng liên tiếp đưa ra chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp giảm giá cước tuy nhiên cước taxi và cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt với mức rất thấp.

Trả lời câu hỏi cước vận tải, taxi tại Việt Nam cao hơn các nước nguyên nhân do chi phí lớn hay do đâu, ông Liên cho biết, riêng taxi, dư luận cho rằng cước taxi đắt và đưa ra các con số so sánh với các nước trong khu vực tuy nhiên ông Liên cho rằng, không nói giá cước cao hay thấp, đắt hay rẻ mà vấn đề là trách nhiệm của cơ quan quản lý cước.

"Phải phạt người thẩm định trước, ai đồng ý với giá cước như thế mà giờ nói là cao? Cơ quan quản lý cần nhận thấy vai trò của mình trước, cần có cơ quan khảo sát, đánh giá nghiên cứu thực sự giá xe, khấu hao, tổ chức như vậy phù hợp hay không. Không tự nhiên nói cao hay thấp", ông Liên nhấn mạnh.

Về giá cước vận chuyến hành khách tuyến cố định, theo ông Liên chưa phải giá thực, giá thực còn cao hơn.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

"Chưa có nước nào giá cước đường bộ rẻ hơn đường sắt trong khi đường sắt được đầu tư, đường bộ chịu bao nhiêu loại thế phí", Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội so sánh.

Cũng theo ông Liên, cước xăng dầu thay đổi liên tục theo đó, người bán xăng điều chỉnh được nhưng doanh nghiệp vận tải khó điều chỉnh theo. Cần nghiên cứu đưa ra mức giá ổn định trong khoảng thời gian nhất định vì không thể hoạt động được nếu cứ 15 ngày thay đổi 1 lần như chu kỳ thay đổi giá xăng dầu.

Ngoài ra, bình luận về ý kiến được đưa ra trước đó của ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Liên phản bác, không thể nói xăng dầu giảm 10% giá cước phải giảm 5% vì xăng dầu chỉ chiếm 35-45% giá đầu vào và tuỳ từng loại xe, chất lượng hạ tầng.

"Tỷ lệ trên cũng chỉ là ước đoán, chưa có nghiên cứu để chứng minh tỷ lệ chính xác là bao nhiêu nhưng nói như ông Thoả là chưa tìm hiểu thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải không đồng tình", ông Liên cho hay.

Ông Liên cũng nhấn mạnh, về văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước thời gian vừa qua không hiểu hết sẽ thành một chiều là việc yêu cầu doanh nghiệp rà soát.

"Rà soát lại xem xong không hợp lý mới phải điều chỉnh chỉnh giá nhưng diễn đạt ra ngoài thì dư luận hiểu là trước tăng theo giá xăng dầu nên giờ phải giảm và các doanh nghiệp không giảm là cù nhầy, chạy theo lợi nhuận khiến dư luận mặc cảm với doanh nghiệp vận tải", ông Liên nêu quan điểm.

 

Theo TÂM AN

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên