Bài học từ những vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã liên tiếp xảy ra các vụ án làm giả hồ sơ để lừa đảo bán “nhà ảo”, “đất ảo”; lừa “chạy trường”, “chạy việc”... Ngoài những thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm, thì chính sự cả tin của người dân đã tạo cơ hội cho các đối tượng “gài bẫy” và dễ dàng chiếm đoạt số tiền từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng…
Cuối tháng 10/2014, dư luận ở TP Huế xôn xao khi nghe tin Ngô Ngọc Văn (43 tuổi, trú đường Hải Triều, TP Huế), là cán bộ thuộc bộ phận quản lý nhà ở thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP Huế bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đi sâu tìm hiểu vụ việc mới biết, thủ đoạn lừa đảo của Văn tuy không mới, nhưng vì quá cả tin nên có rất nhiều người dân sống ở các phường như Hương Sơ, Phú Hiệp, Trường An (TP Huế) bị sập bẫy “mua nhà giá rẻ” của đối tượng này.
Anh Trần Văn Vinh (29 tuổi, trú phường Hương Sơ, TP Huế), kể rằng, đầu năm 2014, thông qua một số người, anh đến gặp Văn để làm thủ tục mua căn hộ số số 216, khu D thuộc chung cư Hương Sơ, với giá 205 triệu đồng. Nào hay, Văn đã có ý định lừa đảo từ trước nên làm giả hợp đồng “Thuê, mua nhà ở chung cư” bằng cách soạn thảo một hợp đồng mới dựa trên hợp đồng cũ có từ năm 2011, với chữ ký, con dấu của lãnh đạo TTPTQĐ TP Huế đã có sẵn từ trước. Do thiếu hiểu biết và cả tin, nên anh đã giao cho Văn 73 triệu đồng để đặt cọc tiền mua nhà. Đến khi chuẩn bị chuyển đến nhà mới ở thì vợ chồng anh “chết đứng”, vì được tin Văn bị Công an bắt giữ.
Bên cạnh là những vụ lừa “chạy trường”, “chạy việc”. Điển hình, vụ án lừa đảo “chạy trường” chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng xảy ra ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế). Khi biết 3 người con của ông Nguyễn Công Trứ (ở xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) có nhu cầu xin vào học tại các trường CAND nên đối tượng Khuất Duy Duẫn (37 tuổi, trú tại thị trấn Khe Tre), là bảo vệ của Trường THPT Nam Đông đã cấu kết với Nguyễn Chí Tiến (30 tuổi, trú xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), là quân nhân chuyên nghiệp công tác tại một đơn vụ quân đội thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, tìm đến nhà ông Trứ để... “đặt vấn đề”.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Văn còn lừa đảo 14 trường hợp khác, với tổng số tiền chiếm đoạt 1,15 tỷ đồng. Nạn nhân của Văn đa phần là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; nhưng do nhu cầu bức thiết về nhà ở nên đành vay mượn ngân hàng, bạn bè... để có tiền đặt cọc mua nhà. Cụ thể như trường hợp của chị Phan Thị Thanh Hằng bị lừa 76 triệu đồng; chị Phan Thị Thanh Nhàn 72 triệu đồng; ông Nguyễn Ngọc T. 99 triệu đồng...
Với tài ăn nói khéo léo và luôn miệng “khoe” bản thân là Trung úy, lại quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao nên Tiến đã buộc ông Trứ chi 850 triệu đồng để lo lót “chạy trường”. Thế nhưng, hơn 4 tháng sau khi giao số tiền trên, ông Trứ không thấy Tiến và Duẫn thông báo đến chuyện nhập trường cho các con thì mới biết là mình đã “ăn quả đắng”; đành ngậm ngùi làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Sau khi làm rõ hành vi lừa đảo của 2 đối tượng Duẫn và Tiến, vừa qua, Công an huyện Nam Đông đã ra lệnh bắt tạm giam đối với Duẫn và khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn đối tượng Tiến, đã bị đình chỉ công tác và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Quân khu 4, để xử lý theo pháp luật. Trước đó không lâu, Công an huyện Phú Lộc cũng bắt giữ Hoàng Hồng Phước (22 tuổi, trú xã Vinh An, huyện Phú Vang), khi phát hiện đối tượng này sử dụng các tấm thẻ, giấy tờ giả nhằm giả danh cán bộ Công an đi lừa đảo “chạy việc”, chiếm đoạt 120 triệu đồng của 20 người có nhu cầu xin việc ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Nam…
Liên quan đến các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tính từ đầu năm 2014 đến nay, Công an TP Huế và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều tra làm rõ và bắt giữ trên 20 đối tượng. Thượng tá Trương Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an TP Huế cho biết: “Trước sự việc người dân vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên liên tục bị kẻ xấu lừa đảo với số tiền từ hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng; đơn vị đã phát đi nhiều văn bản gửi đến Công an các phường, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, để thông báo những phương thức thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Qua đó, khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với loại tội phạm này; kiên quyết đấu tranh tố giác khi phát hiện tội phạm lừa đảo…"
Theo Lê Anh