Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm về Luật kế toán sửa đổi
Bên hành lang Quốc hội sáng 13-6, trao đổi với chúng tôi về Luật kế toán sửa đổi có thể khiến hàng nghìn người mất việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết bộ này vẫn giữ quan điểm về quy định mới trong luật này.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận cần phải giải thích rõ hơn cho dư luận hiểu về các quy định mới này. Ông nói: “Tôi có nghe các ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Luật kế toán (sửa đổi) và những phản hồi của cử tri, bạn đọc rằng có câu chuyện là luật yêu cầu quá cao đối với kiểm toán viên hành nghề.
Nhưng kiểm toán viên hành nghề và người làm công tác kế toán khác nhau. Mình có 500 nghìn doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng có kế toán, nếu làm trong doanh nghiệp thì trung cấp, sơ cấp cũng có thể làm được. Trừ kế toán trưởng là phải có bằng cấp cao hơn.
Còn những người làm kế toán viên độc lập thì tiến tới yêu cầu phải có trình độ cao hơn chứ không như hiện nay. Bắt buộc phải có bằng đại học, phải có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu cao hơn trước đây".
* Nhưng dư luận cho rằng thời gian chuẩn bị quá gấp, nếu được thông qua thì tháng 7-2016, Luật kế toán sửa đổi đã có hiệu lực?
- Quan điểm của Bộ Tài Chính là kế toán viên độc lập phải có bằng cấp cao hơn, yêu cầu cao hơn với kế toán đang làm trong các doanh nghiệp. Tinh thần là phải giải thích cho người dân hiểu.
Làm kế toán ở doanh nghiệp chỉ nạp dữ liệu vào là máy ra kết quả. Nhưng anh hành nghề kế toán viên khác. Hai đẳng cấp khác nhau, yêu cầu trình độ cao hơn. Trong luật kế toán vừa rồi còn thiếu khái niệm là người làm “công tác kế toán”, chúng tôi sẽ bổ sung để mọi người phân biệt với người “hành nghề kế toán”, tránh hiểu nhầm.
* Nhưng thưa ông, xã hội liệu có bắt kịp với yêu cầu mới này không?
- Thực tế là xã hội đang biến chuyển, bây giờ mình có hội kiểm toán viên hành nghề độc lập, điều kiện mặt bằng cao hơn.
* Nhưng số lượng người hành nghề kế toán viên độc lập là không nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận?
- Tôi thấy không nhiều, tôi không nhớ rõ nhưng độ vài nghìn người thôi. Trong đó có những người đang làm ở các công ty kiểm toán độc lập và đã có chứng chỉ quốc tế.
* Còn với quy định muốn lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ bằng cấp và góp vốn trên 50%. Các đại biểu cho rằng không cần thiết vì người góp vốn chưa chắc đã là người hành nghề. Và nghề kế toán chỉ cần kỹ năng chứ không hẳn là vốn?
- Cái này sẽ xem xét điều chỉnh, tiếp thu ý kiến đại biểu.
* Dự luật kế toán sửa đổi quy định không chỉ bằng cấp mà phải vào hội nghề nghiệp kế toán mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều đại biểu và cử tri cho rằng như vậy là vô lý khi vào hội hay không là ý thích của mỗi người, sao lại ràng buộc thành điều kiện?
- Cái này phải tiến tới chuyên nghiệp, phải vào hội nghề nghiệp thì hoạt động mới chuyên nghiệp và quy củ được. Tiến tới sẽ xã hội hóa, giao cho hội nghề nghiệp nhiều chức năng hơn, nhà nước chỉ quản lý về mặt vĩ mô.