MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Cấm cán bộ gửi tiền ở nước ngoài là chưa đủ

17-03-2015 - 15:49 PM | Xã hội

"Điều quan trọng nhất trong chống tham nhũng là làm sao biết được tài sản của quan chức từ thu nhập hợp pháp hay không? "

Trong đề tài “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn VN và kinh nghiệm quốc tế” của Ban Nội chính trung ương, nhóm nghiên cứu đề xuất cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.

Điều quan trọng nhất trong chống tham nhũng là làm sao biết được tài sản của quan chức từ thu nhập hợp pháp hay không? Điều đáng làm và có thể làm được là tìm cách để kiểm soát tài sản của cán bộ GS.TS LÊ HỒNG HẠNH

Trao đổi với chúng tôi về đề xuất này, GS.TS Lê Hồng Hạnh - viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và pháp lý ASEAN - nói: “Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế, chuyện gửi tiền hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, có thể hiểu được mong muốn của nhóm nghiên cứu trong việc đưa ra đề xuất trên là nhằm phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài, ngăn ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng những “điểm hạ cánh an toàn” ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải tất cả cán bộ, đảng viên từ cấp vụ, cục trở lên đều tham nhũng và tiêu cực, nên không thể tiếp cận vấn đề theo cách “một người đau bắt cả làng uống thuốc”. Hơn nữa, Hiến pháp và pháp luật quy định công dân có quyền sở hữu, định đoạt tài sản theo mong muốn và ý chí của mình. Cán bộ cấp vụ trở lên cũng là công dân, họ có những quyền tài sản hợp pháp của mình, nếu cấm sẽ dễ vi hiến”.

* Nhưng với những người có chức vụ, quyền hạn, Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra những quy định dựa trên đặc thù công việc họ đang làm, thưa ông?

- Nếu cán bộ từ cấp vụ, cục nào đó có tiền, tài sản hợp pháp, chính đáng, họ mong muốn đầu tư, mua sắm ở nước ngoài, cơ sở pháp lý nào để cấm họ? Hơn nữa, cấm được quan chức đó thôi, chứ làm sao cấm được người thân, người quen của họ. Tôi cho rằng cần phải tiếp cận toàn diện, làm đồng bộ chứ không chỉ “ngắm” một cái đích duy nhất.

Tôi không có thông tin nên không dám khẳng định có hay không chuyện quan chức tham nhũng gửi tiền ra nước ngoài hoặc mua tài sản ở nước ngoài. Bởi nếu có, họ cũng giấu rất kỹ.

Tuy nhiên theo tôi, việc gửi tiền ra nước ngoài thường có nguy cơ “bị lộ”, bị tịch thu cao hơn bởi yêu cầu về tính minh bạch tài sản được đề cao tại nhiều nước, nhất là khi cả cộng đồng quốc tế đang quyết tâm chống rửa tiền.

Do đó, nếu cán bộ có tiền do tham nhũng, họ chẳng đem gửi ra nước ngoài hoặc mua tài sản ở nước ngoài làm gì, thay vào đó họ để tiền và tài sản ở VN rồi “biến hóa” chúng. Người tham nhũng tạo sự “an toàn” cho tài sản tham nhũng không phải ở chỗ giấu chúng nằm ở trong nước hay ngoài nước mà làm sao có thể “rửa” sạch tài sản này.

* Như vậy, đề xuất lệnh cấm như trên là khó khả thi?

- Thời gian qua, chúng ta ban hành vô số văn bản pháp luật nhưng hiệu lực, hiệu quả của chúng vẫn là những dấu hỏi. Bản thân tôi rất muốn có được một giải pháp chống tham nhũng thật hiệu quả, nhưng đề xuất này còn phải xem lại tính khả thi. Thực tiễn cuộc sống không đơn giản như vậy.

Hơn nữa, theo quy định pháp luật ngân hàng và pháp luật về ngoại hối, việc chuyển tiền ra nước ngoài phải có mục đích hợp pháp và tuân thủ quy trình chặt chẽ, chưa kể pháp luật về chống rửa tiền cũng đã ban hành và đang được thực thi.

Như vậy về mặt pháp lý, việc gửi tiền và mua tài sản ở nước ngoài hiện nay không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hành vi chuyển tiền ra nước ngoài rất đa dạng, tinh vi như mang lậu tiền ra nước ngoài, tiền gửi qua các dịch vụ chuyển tiền, làm giả thông tin về tài khoản, đầu tư ra nước ngoài, mua sắm bằng tín dụng, chuyển tiền qua tài khoản của người thân...

Do đó, một quy định “cấm” đơn giản cũng không giải quyết được vấn đề và cũng khó trở thành phương thuốc chữa lành bệnh tham nhũng.

* Theo ông, đâu là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn chuyện quan chức tham nhũng gửi tiền ra nước ngoài hoặc mua tài sản ở nước ngoài?

- Theo tôi, vấn đề ở đây là chúng ta cần một giải pháp thu hồi tài sản được xây dựng toàn diện, với điều kiện tiên quyết là minh bạch và kiểm soát tài sản. Việc kiểm soát này thông qua nhiều quy định khác nhau như thuế, đấu thầu, đất đai, chứng khoán... Mỗi mảng pháp luật giúp kiểm soát một khía cạnh và sẽ tạo được cho chúng ta một góc nhìn, một bằng chứng nào đó về tài sản của quan chức.

Qua kiểm soát đó, cơ quan chức năng phân biệt đâu là tài sản có nguồn gốc hợp pháp, đâu là không hợp pháp, đề ra các giải pháp phù hợp và không loại trừ giải pháp hạn chế việc chuyển tiền ra nước ngoài của quan chức.

Tôi cũng từng đề xuất giải pháp phải kê khai tài sản trước lúc bổ nhiệm. Về sau, căn cứ vào tài sản đã kê khai, nếu có bất cứ tài sản nào bị giấu giếm, không khai báo trung thực, có thể bãi nhiệm mà không cần phải tổ chức những cuộc họp thâu đêm suốt sáng để kiểm điểm theo thủ tục bãi nhiệm cán bộ. Đơn giản là anh đã có cam đoan. Tâm phục khẩu phục quá đi chứ.

Theo Võ Văn Thành

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên