MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất vấn, không chờ “đến hẹn lại lên”

20-11-2015 - 10:27 AM | Xã hội

Quốc hội vừa kết thúc phiên chất vấn được một ngày thì tại cuộc họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lại nóng lên bởi một phiên “chất vấn” khác giữa chính các đại biểu cùng đoàn.

Lần này, người được “chọn” để đặt câu hỏi chất vấn là đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - tại phiên thảo luận tổ về Luật dược.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - là người đầu tiên “chất vấn” với một loạt vấn đề nhức nhối trong quản lý dược: Tại sao dân è cổ gánh giá thuốc cao? Có lợi ích nhóm trong cơ chế quản lý giá thuốc hay không?

Đại biểu Lan không ngại ngần đặt câu hỏi với thủ trưởng bộ chủ quản ngành mình đang công tác với câu hỏi: nếu những vấn đề nhức nhối đó vẫn diễn ra thì “chúng ta tồn tại làm gì?”.

Đại biểu Phong Lan vừa xong thì đại biểu Trần Du Lịch “chất vấn” tiếp: “Không có xứ nào mà tới tiệm thuốc tây không cần toa bác sĩ cũng mua được thuốc. Chúng ta đặt ra chuyện quản lý để làm gì khi mà tới nhà thuốc ai muốn mua thuốc độc cũng được. Tôi hỏi bộ trưởng là có quản lý không hay cứ kệ?”.

Ông Trần Du Lịch vừa dứt lời lại đến đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh tiếp lời: “Có nhiều trường hợp trẻ chết do tiêm văcxin. Trước công luận, Bộ Y tế nói tỉ lệ chết đó vẫn nằm trong tỉ lệ “cho phép”, vẫn thấp hơn thế giới. Cử tri phản ứng mà cá nhân tôi cũng không vừa lòng. Bộ Y tế có cách giải thích nào khác hợp lý hơn không?”.

Câu hỏi của các đại biểu cứ thế “rượt đuổi” những tồn tại của ngành y suốt hơn một giờ. Một cuộc “chất vấn” không theo quy trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không trả lời các câu hỏi. Nhưng với cử tri thì đó là một cuộc “chất vấn” trông đợi. Bởi ít nhất câu chuyện nhức nhối về giá thuốc, về quản lý chất lượng thuốc, về những cái chết do tiêm ngừa... dù không có trong chương trình nghị sự vẫn được các đại biểu đưa vào nghị trường.

Không khí nghị trường sau gần ba ngày chất vấn còn những tiếc rẻ, chưa bằng lòng khi có hơn 40 đại biểu đã bấm nút nhưng không còn thời gian để chất vấn. Nhưng cuộc họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM minh chứng một điều: chất vấn không cần chờ “đến hẹn lại lên”.

Chỉ cần đại biểu cùng nhìn về vấn đề mà cử tri bức xúc thì nghị trường vẫn luôn có không gian cho những câu hỏi chất vấn.

 

Theo Viễn Sự

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên