Chính phủ chưa có tờ trình sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội
- 01-04-2015Chính phủ thống nhất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội
- 01-04-2015Vì sao công nhân phản đối Luật Bảo hiểm xã hội mới?
- 03-01-2015Một số quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 20-11-2014Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Trao đổi bên lề Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách khu vực miền Bắc (từ ngày 4-6/5), ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết đến thời điểm này, Chính phủ chưa có tờ trình về việc sửa đổi Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng sẽ có văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin chủ trương thực hiện, dù sửa một hay hai điều đều phải tuân thủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, chưa thể đưa ra xem xét sửa đổi Điều 60, nếu làm nhanh phải chờ tới kỳ họp Quốc hội thứ 10.
Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội là nhân văn
Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/4 vừa qua, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng người lao động được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng để tiếp tục đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đưa ra vấn đề này rất nhân văn, rất đúng với thực tiễn vì 80% lao động từ nông thôn vào đô thị, lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu, trong một thời điểm nào đó, khi nghỉ việc, họ rất cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, song điều kiện hưởng thế nào cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã khuyến cáo người lao động cần tỉnh táo, nghĩ tới lâu dài, không nên chăm chăm vì cái lợi trước mắt. Bài học nhãn tiền từ việc hưởng “một cục” theo diện 176 (Quyết định 176-HĐBT năm 1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh) đến nay còn để lại khá nặng nề, 800.000 người về hưu non hưởng theo diện 176 mong muốn hoàn trả lại Quỹ bảo hiểm xã hội số tiền đã nhận để cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện về thời gian đóng, hưởng lương hưu hàng tháng nhưng không được pháp luật hồi tố, cuộc sống của họ khó khăn hơn những người đang hưởng lương hưu.
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khảo sát cho thấy nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là người dân ở miền Tây Nam bộ để giải quyết sinh kế trước mắt. Từ miền Trung trở ra, người dân rất khát khao được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội có nối thời gian.
Nhiều người ở Hà Nội, nhất là ở các tỉnh phía Bắc rất muốn trả lại chế độ hưởng theo diện 41 và 111 đã hưởng trước đây theo chế độ tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động dôi dư nhưng Luật chưa cho phép. Chính vì vậy, Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã được thiết kế rất nhân văn theo hướng hạn chế đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần để bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người lao động có mong muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội được tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương cho biết thời gian qua, khoản tiền người lao động đóng bình quân, kể cả phần bảo hiểm xã hội thu được từ đầu tư cho tăng trưởng bảo toàn quỹ, chỉ đủ giải quyết lương hưu cho người lao động trong chín năm, trong khi theo thống kê, tuổi thọ của người lao động sau khi nghỉ hưu kéo dài trên 20 năm. Như vậy, còn 11 năm nhà nước phải lo. Điều 60 là hoàn toàn ưu việt, về già, người lao động có được một khoản lương hưu để không phải phụ thuộc vào con cháu và cũng để khẳng định những đóng góp của mình với xã hội.
Khẳng định Điều 60 là nhân văn, ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) chỉ rõ những điểm ưu việt như người lao động được bảo lưu số tiền đã đóng để tiếp tục đóng cộng dồn và hưởng lương hưu khi về già; trong thời gian bảo lưu, vẫn được hưởng bảo hiểm y tế, nếu từ trần, thân nhân người lao động được hưởng chế độ tử tuất như đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội.
Luật cũng rất linh hoạt giải quyết cho các trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hướng có lợi cho người lao động. Người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...
Tính toán kỹ có thể thấy người sử dụng lao động đã đóng gần 2/3 số tiền tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu vì lợi ích trước mắt rút ra để hưởng ngay, người lao động sẽ phải chịu thiệt thòi lâu dài.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình Lê Hùng Sơn khuyến cáo người lao động cân nhắc kỹ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa phần ngọn và phần gốc. Người lao động lấy bảo hiểm xã hội một lần là ra khỏi lưới an sinh xã hội, không thể trông chờ vào sự bảo trợ nào khác của Nhà nước, cho đến khi 80 tuổi mới được nhận bảo trợ xã hội. Nếu nhận bảo trợ xã hội hàng tháng là chăm sóc phần ngọn, còn nếu như Chính phủ hỗ trợ để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cộng với phần họ tự đóng là chăm sóc từ gốc, về già không phải trông chờ vào khoản bảo trợ mà họ có lương hưu.
Giữ lại một phần mức đóng để bảo đảm an sinh xã hội
Nêu quan điểm cá nhân, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần có các điều kiện quy định chặt chẽ hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần; động viên, giải thích chính sách cho người lao động có phương án lựa chọn tối ưu nhất nhưng cũng phải tạo điều kiện nào đó để giúp người dân thực sự khó khăn, cần tới khoản tiền đó và cần việc làm để mưu sinh.
An sinh xã hội là từ phúc lợi xã hội, ăn hết phúc lợi, người dân không có tích lũy để lo khi về già. Nên thực hiện theo một lộ trình để người lao động khắc phục được những khó khăn trước mắt, hết khó khăn họ lại tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, như vậy sẽ đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Chẳng hạn, thay vì quy định người lao động không làm việc sau một năm được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như Luật cũ thì kéo dài thời gian này lên 2-3 năm, khắt khe hơn, trong thời gian đó động viên họ bảo lưu, coi như khoản tiền để dành và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi trở lại làm việc để được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để hưởng lương hưu về sau. Chỉ khi người lao động quá khó khăn, không còn con đường nào khác mới xử lý cho thanh toán bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích từ ngày 1/1/2014, tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là 22%, trong đó người lao động chỉ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14% trên quỹ lương. 14% này là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc chăm lo an sinh xã hội cho người lao động trong mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động với người lao động.
Trong số 14% mức lương đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp được trừ 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, tính tương đương ra là khoảng 3,5%, đây là số tiền doanh nghiệp đóng nhưng bản chất là tiền của nhà nước cho người lao động, doanh nghiệp thực chất chỉ đóng 10,5%.
Trong trường hợp người lao động yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ chỉ được lấy 8% mình đã đóng, hoặc là 8% và 10,5% của doanh nghiệp, còn 3,5% của ngân sách phải thu hồi giữ lại để hòa vào quỹ phúc lợi. Sau này, khi người lao động nghỉ việc, hết phần bảo hiểm xã hội hưởng một cục, hết tuổi lao động, suy giảm sức lao động, ốm đau, 3,5% tiền của nhà nước từ quỹ phúc lợi xã hội sẽ được trích ra để bảo trợ cho họ.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, với những ngành khó khăn như da giày, dệt may, phải có những điều chỉnh xã hội ví dụ như nếu họ quá khó khăn, không tham gia đóng bảo hiểm tiếp, nhà nước hỗ trợ một phần để họ đóng tiếp; sử dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp để giúp người lao động học nghề kế cận hoặc nghề phụ trợ khác, quay lại thị trường lao động thay vì đưa tiền cho họ ăn tiêu.
Các Bộ, ngành nên tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đối tượng thực sự khó khăn, có nguy cơ mất việc làm cao được đi học nghề để chuyển đổi nghề. Ngay bản thân doanh nghiệp mà người lao động đang làm việc cũng phải tổ chức dạy thêm nghề khác phòng khi không may việc làm có nguy cơ bấp bênh, người lao động có cơ hội để chuyển nghề.
>>>Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Luật sư phân tích “thiệt, hơn”
Theo Chu Thanh Vân