MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân?

26-02-2015 - 11:11 AM | Xã hội

"Dứt khoát phải là và chỉ có tập thể đề nghị chứ không thể là cá nhân đề nghị trưng cầu ý dân"...

“Quyền con người và quyền công dân không thể đưa ra trưng cầu ý dân được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “phản biện” quy định tại dự thảo Luật Trưng cầu ý dân trong phiên họp chiều 25/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đều nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành luật này, song các ý kiến thảo luận còn vô số băn khoăn về các quy định cụ thể.

Rất khó cụ thể

Một trong những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau được ban soạn thảo trình bày tại tờ trình dự án luật là những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân.

Dự thảo luật thể hiện hai phương án, phương án một theo ý kiến đa số cũng là quan điểm của ban soạn thảo, tức chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân.

Phương án hai là cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, nhưng quy định theo cách trong những vấn đề đó thì tùy thuộc Quốc hội xem xét có thể đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân.

Theo phương án này thì những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng và cuối cùng là xây dựng các công trình, dự án kinh tế - kỹ thuật đặc biệt quan trọng

Để xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân ngay trong luật là rất khó, còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại mỗi thời điểm nhất định và quyền quyết định của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu lý do tán thành với phương án một của thường trực cơ quan này.

Tuy nhiên cả hai phương án đều chưa đủ sức thuyết phục.

Theo Chủ tịch Quốc hội, về quyền con người, quyền công dân thì có quyền đương nhiên và quyền do luật định. Quyền đương nhiên thì mọi người  phải thi hành ngay từ khi Hiến pháp có hiệu lực, còn cái gì hạn chế quyền con người và quyền công dân thì phải do luật định chứ có phải do trưng cầu ý dân đâu, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng đặc biệt lưu ý, luật này phải quy đinh việc bỏ phiếu thật chặt chẽ để kết quả phải đúng ý của dân, thực sự là ý của dân, không bị tác động bởi sự vận động bên ngoài.

Cá nhân không thể đề nghị trưng cầu ý dân

Điều kiện để trưng cầu ý dân và chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân cũng là nội dung được nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm thật rõ tại dự thảo luật.

Dự thảo luật trình hai phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án một gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Phương án hai mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định như phương án một, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội. Nhiều ý kiến khác cũng tán thành với phương án này.

"Dứt khoát phải là và chỉ có tập thể đề nghị chứ không thể là cá nhân đề nghị trưng cầu ý dân", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ quan điểm.

Ông Hiển cũng nhấn mạnh chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định tổ chức trưng cầu ý dân mà thôi.

"Hiến pháp không nói trưng cầu ý dân những vấn đề gì, luật này cần quy định rõ cái gì thì trưng cầu ý dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng việc trưng cầu ý dân cần phù hợp với cấu trúc Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề: vậy luật này đã phù hợp với Việt Nam hay chưa?

Bà Mai góp ý, cần phải quy định đầy đủ các điều kiện để đưa ra quyết định trưng cầu ý dân, bởi trưng cầu ý dân phải khác với việc lấy ý kiến nhân dân về một số dự án luật, phải tổ chức ở quy mô chặt chẽ hơn.

"Luật này rất quan trọng, không thể mơ mơ màng màng, nó là cái quyền dân chủ trực tiếp của người dân, nếu mơ màng là tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.

>>>“Tự vận động bầu cử, khó đảm bảo công bằng”

Theo Nguyễn Lê

PV

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên