MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công chứng viên có thể hành nghề đến... 70 tuổi!

29-10-2013 - 11:56 AM | Xã hội

Giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Công chứng sáng nay, Bộ Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến đề nghị nâng tuổi hành nghề của công chứng viên, nhiều đoàn đề xuất lên tới 70 tuổi!

Theo Bộ Tư pháp, về độ tuổi của công chứng viên, có hai luồng ý kiến: Ý kiến thứ nhất đề nghị quy định tuổi hành nghề của công chứng viên là đến đủ 65 tuổi (Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, Quảng Ngãi…). Trong khi đó, ý kiến thứ hai đề nghị quy định tuổi hành nghề của công chứng viên là đến đủ 70 tuổi (Hội công chứng thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Hội công chứng TP Hồ Chí Minh…).

Ngoài ra còn có ý kiến khác như đề nghị bỏ quy định công chứng viên hành nghề đến đủ 65 tuổi vì không phù hợp đối với công chứng viên của Phòng công chứng (Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Bạc Liêu) hoặc nên quy định độ tuổi bổ nhiệm lần đầu là không trên 65 tuổi, còn tuổi hành nghề công chứng là đến tròn 70 tuổi (Hội công chứng thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang).

Nhiều cải tiến trong hoạt động tại các văn phòng công chứng.

Ban soạn thảo cho rằng, tuổi hành nghề là rất cần thiết để đảm bảo công chứng viên đủ sức khỏe, minh mẫn để hành nghề. Tiếp thu ý kiến thứ nhất dự thảo Luật quy định theo hướng “Công chứng viên hành nghề đến khi đủ 65 tuổi không phân biệt nam, nữ”.

Tại điểm d khoản 1 Điều 13 quy định một trong các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm công chứng viên đó là:“Đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề công chứng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật là trùng lặp, không cần thiết.

Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 17a của dự thảo Luật thì “Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng là người đã hoàn thành thời gian tập sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật này”. Do đó, để đảm bảo tính ngắn gọn, súc tích của văn bản, đề nghị chỉnh sửa lại điểm này như sau: “Đạt yêu cầu kết quả tập sự hành nghề công chứng”.

Kết quả lấy ý kiến cũng cho thấy, đa số các ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, giao cho công chứng viên chứng nhận chữ ký người dịch thay vì để các Phòng tư pháp cấp huyện chứng thực như hiện nay để nâng cao chất lượng bản dịch, giảm gánh nặng cho biên chế và ngân sách Nhà nước.

(UBND tỉnh Bến Tre, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Kon Tum, Phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội, Phòng công chứng số 1 tỉnh Long An, Văn phòng công chứng Long Xuyên, Bộ Tài chính, Hội công chứng TP Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, Hải Dương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND - Sở Tư pháp tỉnh Long An, Đắk Nông, UBND tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Điện Biên, Sở Tư pháp tỉnh An Giang…).

Về vấn đề này dự thảo luật tiếp thu theo hướng mở rộng phạm vi công chứng của công chứng viên trong việc công chứng bản dịch nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, giảm tải công việc cho cơ quan hành chính nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giao dịch bất động sản với nhiều loại giấy tờ được công chứng.

Về giá trị pháp lý của văn bản công chứng (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật công chứng), đây là nội dung quan trọng. Hội đồng thẩm định dự án luật cho biết, đa số thành viên Hội đồng cho rằng, việc dự thảo luật (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật công chứng) cho phép yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành ngay giao dịch đã được công chứng là chưa phù hợp và thiếu tính khả thi. Vì cho rằng, nội dung của các giao dịch dân sự là rất phong phú, đa dạng và phức tạp.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện giao dịch, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch có thể đã bị thay đổi nên việc quy định cho phép yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành ngay mà không thông qua cơ chế tài phán là rất khó khả thi. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thu hẹp phạm vi, theo đó, chỉ nên áp dụng đối với một số loại giao dịch đã xác định rất rõ nghĩa vụ phải thực hiện và không có tranh chấp phát sinh.

Về vấn đề này, cũng có thành viên Hội đồng đề nghị để bảo đảm trình tự, thủ tục chặt chẽ thì nên bổ sung thủ tục công nhận cho phép thi hành của tòa án trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.

Hội đồng thẩm định nhất trí về chủ trương nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng và trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trong việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về cho thi hành văn bản công chứng, Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của các thành viên Hội đồng để quy định cho phù hợp.

Theo Đ.Minh


cucpth

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên