Đà Nẵng khởi kiện "nhân tài": 15 trường hợp bị khởi kiện, 7 trường hợp đã xét xử
Đà Nẵng đang khởi kiện 7 "nhân tài" vi phạm hợp đồng khi tham gia đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922). Tuy nhiên, theo ý kiến của luật sư, vấn đề thu hồi vốn sau thi hành án là khó và việc khởi kiện này không mang tính nhân văn cao.
Theo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao Đà Nẵng, việc khởi kiện này là cực chẳng đã vì đã nhiều lần đối thoại nhưng phía học viên và gia đình thiếu hợp tác, chây ì.
Đà Nẵng triển khai đề án 922 từ năm 2004 nhằm thu hút nhân tài về cống hiến, phục vụ tại thành phố. Đà Nẵng cũng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 5 mũi nhọn đột phá phát triển của TP.
Đến nay, Đà Nẵng đã có 630 lượt học viên tham gia đề án với kinh phí đào tạo đại học, sau đại học (trong và ngoài nước) khoảng 600 tỉ đồng (trung bình số tiền phải chi cho mỗi học viên là hơn 950 triệu đồng).
Theo ông Nguyễn Đình Thuận - Phó GĐ Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao, học viên sau khi kết thúc đào tạo phải công tác tại TP trong vòng 7 năm, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phải bồi hoàn phí đào tạo gấp 5 lần. Riêng sau năm 2013 phải bồi hoàn 100% mức đào tạo.
Đến nay đã có 64 người/630 lượt học viên (chiếm khoảng 10%) vi phạm hợp đồng. Trong đó, có 15 người đã bị trung tâm khởi kiện ra tòa án hành chính, 7 trường hợp bị xét xử.
Ông Thuận cho hay: “Con số 10% không phải quá nhiều nhưng cũng đủ để cảnh báo Đà Nẵng cần phải suy nghĩ lại, có những chế tài phù hợp với việc đào tạo nhân tài, việc đào tạo “nhân tài” luôn tiềm ẩn rủi ro, cả chủ quan lẫn khách quan".
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, chủ trương này ban đầu thành phố quyết hơi vội, dẫn đến khó kiểm soát.
"Việc khởi kiện nhân tài như vậy tính nhân văn không cao lắm. Vấn đề thu hút nhân tài phải được "cởi trói", nhân tài nên được tự do học tập và quyết định có về thành phố công hiến hay không sẽ hay hơn là tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực cao như thành phố đưa ra" - Luật sư Đỗ Pháp nêu quan điểm.
Lao động