Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên có hệ thống giao thông thông minh tích hợp
Với hơn 5.750 tỷ đồng vốn ODA từ Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, CHủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đặt mục tiêu Đà Nẵng sẽ là thành phố đầu tiên trên cả nước có hệ thống giao thông thông minh tích hợp.
Theo tin từ UBND TP. Đà Nẵng, ngày 21/8, lãnh đạo thành phố vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và các bộ, ngành liên quan nhân chuyến công tác giám sát giữa kỳ Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (SCDP) diễn ra từ ngày 17 đến 21/8.
Với tổng mức đầu tư 272,135 triệu USD (tương đương hơn 5.750 tỷ đồng), bao gồm 202,435 triệu USD là nguồn vốn vay IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) và 69,7 triệu USD là vốn đối ứng của TP Đà Nẵng, Dự án (DA) được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2019.
Dự án có 5 hợp phần: Cải thiện thoát nước mưa và nước thải; Phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT); Đường chiến lược đô thị; Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực; Các hoạt động được chuyển sang từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng.
Mục tiêu của dự án là mở rộng sự tiếp cận của người dân thành phố đến các dịch vụ thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường sá, giao thông công cộng tại một số khu vực được lựa chọn của thành phố.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Đà Nẵng.
Ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của WB, cho biết đợt giám sát này của đoàn tại Đà Nẵng không chỉ đánh giá tổng thể tiến độ giữa kỳ mà còn đánh giá khoản tài trợ bổ sung trị giá 103 triệu USD cho Dự án.
Vào tháng 6/2015, Đà Nẵng đã có đề nghị chính thức với Chính phủ Việt Nam và WB xem xét khoản tài trợ bổ sung này từ nguồn tín dụng IDA cho DA. Theo đánh giá của đoàn, DA cơ bản đã phát huy hiệu quả và đang tiến triển theo đúng kế hoạch đề ra với khoảng 35% nguồn vốn được giải ngân thông qua các hợp đồng đã ký kết tính đến tháng 8/2015.
Liên quan đến đề xuất tăng vốn của Đà Nẵng, đoàn đánh giá cũng thống nhất nhu cầu của thành phố là hoàn toàn hợp lý, chủ yếu để mở rộng các hạng mục rất quan trọng gồm phát triển hệ thống cống riêng/hệ thống đấu nối hộ gia đình tại khu vực du lịch biển Mỹ An-Mỹ Khê của thành phố; và tăng hiệu quả, tích hợp toàn bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống vé.
Đặc biệt, việc đầu tư tuyến đường DH2 tại khu vực ven đô ở 2 xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn (chiều dài khoảng 9,2 km và song song với tuyến đường tránh Đà Nẵng) là hạng mục đầu tư mới khẩn cấp, hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, thành phố nhận thức rõ trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn ODA của Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, hoàn trả nợ vay cũng như lợi ích mang lại của DA để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Với DA này, Đà Nẵng đặt mục tiêu có hệ thống giao thông thông minh tích hợp đầu tiên trên cả nước.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, việc tăng vốn để thực hiện các hạng mục bổ sung trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là xử lý tách nước thải ra khỏi nước mưa tại khu vực ven biển phía đông nhằm thúc đẩy du lịch phát triển và đầu tư tuyến đường DH2, được Đà Nẵng xác định là nhu cầu hết sức cấp bách, góp phần tăng hiệu quả các DA trước đây đã được WB tài trợ cho thành phố.
Vì vậy, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị WB và các bộ ngành liên quan sớm phê duyệt đầu tư, đồng thời xem xét hạng mục đầu tư tuyến đường DH2 là phần bổ sung của Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng chứ không phải là một dự án độc lập.