Đại biểu Đại hội Đảng kỳ vọng gì vào nhân sự mới?
“Tôi tin phụ nữ có thể đứng ở vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước”, bên lề phiên họp ngày 21/1 của Đại hội Đảng lần thứ 12, một nữ đại biểu đã chia sẻ như vậy với báo chí.
- 21-01-2016Bầu Trung ương khóa mới: Quyết định cao nhất là của Đại hội
- 21-01-2016Chủ tịch Nước đọc diễn văn Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
- 21-01-2016Tổng bí thư nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XII
Một số vị đại biểu khác cũng có những trao đổi đáng chú ý xung quanh các nội dung của Đại hội. VnEconomy lược ghi các ý kiến này.
“Có thể có cán bộ nữ giữ trọng trách cao”
Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình
“Ở Việt Nam, tôi tin việc phụ nữ có thể đứng đầu cơ quan Trung ương sẽ có khả năng trở thành hiện thực tại kỳ Đại hội này.
Tôi tin vào nữ lãnh đạo, vào công tác cán bộ. Hội nghị 14 đã có phương án thống nhất trình Đại hội. Với tình cảm, trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ, tôi tin phụ nữ có thể đứng ở vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Tôi được biết đây là lần đầu tiên các thành viên Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất, tới 9 người. Là thế hệ cán bộ không trẻ lắm nhưng mới tham gia một khóa, chúng tôi rất khâm phục tình cảm, trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị khóa 11 trước vận mệnh dân tộc, trách nhiệm trong việc tạo cơ hội và đào tạo cán bộ kế cận.
Các vị đã sẵn sàng rời vị trí, tạo cơ hội phát triển cho các cán bộ trẻ kế cận khóa sau, lựa chọn và đề xuất một đồng chí ở lại để có sự ổn định, kế thừa, tạo điều kiện cho các thành viên mới bắt nhịp.
Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 cũng đã có tổng kết, rút kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước một cách kỹ lưỡng, từ đó cân nhắc phương án 180 ủy viên Trung ương chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Phương án ấy hợp lý và đảm bảo tính kế thừa, đào tạo. Ủy viên Trung ương chính thức khóa này dự kiến có nhiều người mới và trẻ, không chỉ ở ủy viên dự khuyết. Phân bổ cơ cấu, độ tuổi theo tôi đã hợp lý”.
“Cân nhắc kỹ khi bầu”
Đại biểu Cát Văn Thọ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh
“Tôi tin tưởng rằng công tác chuẩn bị như thế này với các điều kiện bảo đảm được tổ chức như hôm nay, Đại hội 12 sẽ thành công tốt đẹp, bầu được Ban Chấp hành mới có đầy đủ trí, tâm, đức...
Đại hội lần này rất cởi mở và dân chủ, các đại biểu được bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Chính kiến ở đây là thực hiện quyền được thảo luận, thông qua các đoàn để biểu quyết, chọn ra những người có đủ tâm, đủ tài.
Là một trong số 1.510 đại biểu dự Đại hội, thay mặt cho hơn 4,5 triệu đảng viên thì mình phải cân nhắc kỹ và tìm hiểu kỹ các đồng chí tham gia Ban Chấp hành có đủ đức, đủ tài để tham gia gánh vác nhiệm vụ chung của đất nước, đáp ứng mong muốn kỳ vọng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tôi nghĩ là các đồng chí trúng cử trong nhiệm kỳ này sẽ gánh vác và hoàn thành được các nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó”.
“Nhất thể hoá cần đồng bộ”
Đại biểu Nguyễn Hữu Lậm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An
“Để tổ chức được bộ máy tinh gọn hiệu, lực hiệu quả, việc nhất thể hóa chức danh ở cơ sở - thậm chí cấp huyện - là điều rất đúng.
Tuy nhiên theo tôi phải đồng bộ từ cấp cơ sở và cả hệ thống, vì thực tiễn chúng ta làm thí điểm rất tốt, nhưng việc điều hành có phần lúng túng, vì cấp trên theo mô hình cũ, nhưng cấp dưới lại nhất thể hóa.
Việc bầu trực tiếp một số chức danh ở cơ sở là rất đáng hoan nghênh, vì người dân và đảng viên tiếp xúc thường xuyên với cán bộ, người ta hiểu biết cán bộ, người ta sẽ có đánh giá. Việc bầu trực tiếp rất đúng và nên làm.
Sáp nhập một số cơ quan Đảng, chính quyền có cùng chức năng nhiệm vụ là vấn đề mà khi làm công tác tổ chức cán bộ, chúng tôi mong muốn từ lâu rồi.
Bởi, chúng ta nói tinh giản biên chế nhưng thực ra phải giảm bộ máy, làm sao nhất thể hóa một số tổ chức trùng giẫm.
Nếu làm được như vậy, từ đó sẽ xác định được rõ vị trí qua việc làm, từ đó việc sáp nhập tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy. Nếu như hiện nay thì chúng ta vẫn làm được nhưng rất khó, thậm chí rất chậm”.
VnEconomy