MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐB Quốc hội buồn chuyện đồng bào dân tộc gian nan thoát nghèo

25-04-2014 - 20:25 PM | Xã hội

Đồng bào dân tộc thiểu số chỉ khoảng 15% tổng dân số, nhưng chiếm 47% tổng số người nghèo cả nước. Khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số càng ngày càng rộng hơn.

Nhiều vùng tỷ lệ hộ nghèo lên đến 80%

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp, nghe Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012.

Khai mạc phiên họp, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã có giảm từ mức nghèo rất cao (58% năm 1993) đến năm 2012 còn 9,6% và năm 2013 còn 7,6%. 

Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang cực kỳ nan giải. Số liệu đến năm 2010, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, nhưng chiếm tới 47% tổng số người nghèo cả nước.

Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch hội đồng Dân tộc cho hay, dù Chính phủ đã huy động nguồn lực lớn dành cho các chương trình chính sách giảm nghèo ở các vùng dân tộc miền núi với thời gian dài. 

Trong đó, riêng giai đoạn 2005-2012 tổng nguồn vốn từ NSNN đầu tư cho các chính sách trực tiếp giảm nghèo là 167.793 tỷ đồng. Nhưng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn 50%, cá biệt còn trên 60-80%. 

Năm 2012, các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ nghèo còn lên tới 45%, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 30% so với khu vực nông thôn nói chung. 

Hơn 100 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 2020 xã chưa có điện đến trung tâm. Riêng các thôn bản biên giới còn khó khăn hơn với hơn 120.000 hộ chưa tự túc được lương thực. 

Ông Cư cũng đề nghị bộ LĐ-TB-XH giải trình việc khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền chưa được thu hẹp và có xu hướng gia tăng. Ví dụ, khu vực miền núi phía Bắc năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2,34 lần so với bình quân của cả nước. Năm 2012 con số này là 2,52 lần. 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá ( tỉnh Trà Vinh) thì cho hay, khi đoàn giám sát và khảo sát của Quốc hội đến vùng đồng bào thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, đã thấy công tác giảm nghèo ở đây có rất nhiều vấn đề nổi cộm.

Chính quyền thôn bản chỉ có trình độ cao nhất là lớp 5, cả bản không có người tốt nghiệp trung học. Trình độ sản xuất xuất, đất đai, quản lý kinh tế hộ còn nhiều khó khăn bất cập.

Đoàn đi khắp vùng vẫn thấy những cánh đồng bạt ngàn ngô khoai sắn và các cây công nghiệp, nhưng hỏi ra thì đều là của người Kinh.

"Hỏi thế đồng bào sống bằng gì thì được trả lời là đi làm thuê cho người Kinh. Hỏi có vay tiền ngân hàng chính sách không thì đồng bào bảo vay để làm gì, không biết làm gì cả, vay xong thì lại lấy đâu ra mà trả." - Bà Khá nói.

"Một vấn đề nữa là đồng bào Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, mẹ đi làm thuê cả ngày, bố ở nhà trông con, vậy đến nơi thấy có nhà thấy hũ gạo thì ít, hũ rượu thì nhiều; đến nhà khác thì lại thấy ông bố và đứa con co ro nơi góc nhà."

Bà Khá chất vấn: Xin hỏi các Bộ GD-ĐT, NN&PTNT, LĐ – TB-XH với chức năng của mình, bây giờ phải làm thế nào để nâng cao dân trí, trình độ sản xuất giúp đồng bào toát nghèo bền vững?
 
Chủ tịch hội đồng dân tộc K’sor Phước cho biết, khảo sát năm 2009, đồng bào các dân tộc thiểu số có 53 dân tộc, chiếm 14,3 dân số cả nước.

Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc, cùng là ở nông thôn, nhưng vùng đồng bào Kinh tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 6-7% số dân cả vùng, còn với đồng bào thiểu số, số hộ nghèo chiếm đến 80% số dân cả vùng. Thu nhập của người lao động dân tộc thiểu số chỉ khoảng 4-6 triệu/năm. 

Về nguyên nhân, ông Phước cho rằng, thứ nhất là do cơ sở hạ tầng chất lượng còn hạn chế, mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cs, nhất là điện và nước. Hai đây là vùng xa trung tâm, các doanh nghiệp không muốn đến.Ba là tập quán, tác phong lao động tiểu nông, tự sản tự tiêu chậm đáp ứng cơ chế thị trường. Bốn là chất lượng giáo dục, tay nghề thấp, số lượng đào tạo chỉ khoảng hơn 10% được đào tạo nghề.

Ngoài ra ở vùng dân tộc thiểu số cũng còn nhiều vấn đề nổi cộm như tài nguyên rừng, đất, nước, khoáng sản đã và đang bị suy giảm, không gian sinh tồn suy giảm nên đẩy mạnh di dân tự do. Vì tỷ lệ dân phân tán nên đầu tư khó, tỷ suất đầu tư cao nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Đặc biệt, còn hơn 100 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, trong khi đây là tư liệu sản xuất quan trọng số 1.

“Nhiều nơi không có đất ở thì lấy đâu ra đất sản xuất?”

Ông Danh Út – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, trong nhiều nguyên nhân, không gì quan trọng hơn là không có đất ở và đất canh tác.

"Đồng bào mất đất do thu hồi để phát triển kinh tế xã hội, nhất là do công trình thủy điện, xây dựng khu công nghiệp, lấy đất làm sân golf. Qua giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến hết 2012 cả nước có 300.000 hộ đồng bào không có đất và thiếu đất. Đây là nguyên nhân khiến đồng bào tái nghèo.

Tuy ngày 20/5/2013 Chính phủ có ban hành quyết định 775 nhưng quá trình tổ chức thực hiện đến nay Ủy ban cho rằng chưa nghiêm túc, kết quả không cao chỉ vì không bố trí hoặc bố trí rất ít ngân sách cho chương trình này, bố trí để cho có. Chương trình chỉ 3 năm 2013-2015 nhưng 2013 ngân sách không bố trí đồng nào, năm 2014 chỉ bố trí 201 tỷ trên 3500 tỷ, chỉ đạt 5,74%." 

"Hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số thiếu và không có đất rất nhiều, trong khi xung quanh họ là đất nông lâm trường có nơi rộng đến 6 triệu ha. Liệu có tình trạng quản lý kém hiệu quả, sử dụng ko đúng mục đích? Vậy kết quả thu hồi đất kém hiệu quả của các nông lâm trường giao cho địa phương giao cho đồng bào như thế nào?" - ông Danh Út đặt câu hỏi.

Về vấn đề đất đai, ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận tình trạng thiếu đất sản xuất là tình trạng chung trên cả nước, chứ không chỉ riêng khu vực đồng bào dân tộc. Tuy nhiên với khu vực đồng bào dân tộc, tình trạng thiếu đất sản xuất cực kỳ nóng bỏng, nó cũng đã được quan tâm giải quyết nhưng chưa hiệu quả. 

Theo ông Phử, nguyên nhân trước hết là do sức ép về dân số, kế hoạch bố trí, sắp xếp dân cư chưa được thực hiện một cách chiến lược bài bản trên cả nước,thực tế vẫn đang diễn ra theo kiểu tự phát; nguyên nhân thứ hai là đời sống của đồng bào quá khó khăn, lẽ ra phải bố trí, điều chỉnh đất đai để người dân có quỹ đất sản xuất nhưng công tác này chưa được làm tốt. 

"Hiện nay các tỉnh Tây Bắc gần như đã hết đất; các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ việc bố trí đất chưa hợp lý. Ở những vùng miền núi đặc biệt khó khăn, người dân còn không có đất ở thì nói gì đến đất sản xuất.”

Ông Phử đề xuất, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ cần có Nghị quyết, chủ trương về việc sắp xếp lại quỹ đất trong cả nước. Nếu không có quỹ đất dự trữ thì không biết lấy đâu ra đất để bố trí cho đồng bào.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên