MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất đặt tên không dài quá 25 chữ: Vi hiến và trái luật?

16-05-2015 - 10:40 AM | Xã hội

Theo luật sư, quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì có nghĩa là đã hạn chế một quyền nhân thân thuộc về một người ngay từ lúc sinh ra.

Trong dự Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, về quyền của cá nhân đối với họ, tên, xác định dân tộc, dự thảo Bộ luật quy định cá nhân có quyền có họ, tên, chữ đệm, xác định dân tộc và xác định lại dân tộc; quy định những căn cứ pháp lý cụ thể, thống nhất cho cá nhân thực hiện quyền của mình về đặt, thay đổi họ, tên và chữ đệm, về xác định dân tộc và xác định lại dân tộc.

Hạn chế một quyền nhân của con người ngay từ lúc họ sinh ra

Dự thảo cũng quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái.

Quan tâm đến vấn đề này, luật sư Lê Luân, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là đề xuất trái Bộ luật Dân sự hiện hành, đồng thời vi hiến vì nó liên quan đến quyền nhân thân được Hiến pháp bảo vệ. “Nếu quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì có nghĩa là đã hạn chế một quyền nhân thân thuộc về một người ngay từ lúc sinh ra. Không thể giới hạn quyền đó được vì nó không ảnh hưởng đến Nhà nước hoặc lợi ích nào khác”- luật sư Lê Luân nói.

Để dẫn chứng, luật sư Lê Luân dẫn Điều 26 Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định:  Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Về quyền thay đổi họ tên, Điều 27, Bộ Luật Dân sự hiện hành cũng quy định về việc cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây: Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con…

Khoản 2 này cũng quy định việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

“Quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân của một cá nhân mà ở đó Hiến pháp và Bộ luật Dân sự không hạn chế. Miễn rằng tên anh đọc được, phát âm được và đầy đủ thành phần họ, tên. Còn độ dài hay kiểu tên là do quyền của chủ thể đó tự quyết định”- Luật sư Lê Luân nói.

Tên dài hay ngắn là quyền của mỗi người

Trước nhiều ý kiến cho rằng, về khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa, có nhiều cái tên không nên đặt, luật sư Lê Luân cho rằng, vấn đề thẩm mỹ và văn hóa, đạo đức không liên quan đến độ dài của tên. Có người ở dân tộc, tên bằng tiếng dân tộc, rõ ràng rất khó đọc, khó viết, không phải tiếng Việt nhưng vẫn phải tôn trọng vì đó là bản sắc, nguồn gốc riêng của họ.

“Thẩm mỹ không phụ thuộc vào độ ngắn, dài của cáo tên. Vì từ trước đến nay làm gì có ai kêu tên dài thì trông xấu mắt quá đâu. Hay tên ngắn thì người ta có khen đẹp quá không? Không hề có. Nên đó không phải lý do của việc hạn chế độ dài tên của một người. Mà thẩm mỹ phụ thuộc vào con mắt mỗi người. Người bảo xấu, người bảo đẹp. Đâu thể đánh giá dựa vào tâm lý hay đánh giá của người quản lý được”- Luật sư Lê Luân nói.

Phản biện lại ý kiến cho rằng, nhiều người cũng nói có những cái tên quá dài, sẽ ảnh hưởng đến việc ghi vào hồ sơ, giao dịch, luật sư Lê Luân cho rằng, chúng ta phải thích nghi với đời sống thực tế chứ không thể hạn chế quyền công dân, quyền nhân thân của một con người. “Chẳng hạn, một người dân tộc, một người có quốc tịch nước ngoài có tên nửa tây, nửa ta thì sao? Hay bắt họ đi đổi tên khi về nước? Hay bắt người dân tộc đặt lại tên theo kiểu người Kinh?”- luật sư Luân nói.

Luật sư Lê Luân cho biết, ở nước ngoài họ chỉ cấm đặt tên khi thấy rõ ràng rằng nó đã dùng từ ngữ thô tục, trái đạo đức hoặc gây ra sự xâm hại hình ảnh quốc gia, dân tộc hoặc mang tính phỉ báng... còn độ dài của tên thì sẽ không bị giới hạn. Và vì thế việc tên dài hay ngắn là quyền của mỗi người, miễn không xâm phạm những điều vi phạm trên là được.

Theo Minh Hòa

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên