MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất không đưa ra trưng cầu ý dân về chủ quyền quốc gia

03-06-2015 - 20:37 PM | Xã hội

Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Trưng cầu ý dân nên quy định không trưng cầu ý dân về thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia.

Ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân?

Thảo luận về dự thảo luật chiều 3/6, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhấn mạnh, chế định trưng cầu ý dân được thể hiện liên tục, nhất quán trong các Hiến pháp, trong các nghị quyết của Đảng. Việc thảo luận và thông qua luật vào thời điểm này chín muồi khi Hiến pháp 2013 khẳng định rất rõ quyền con người, quyền công dân.

“Trưng cầu ý dân liên quan quyền làm chủ trực tiếp của người dân. Dù không có nhiều dịp thể nhưng việc quy định cụ thể là phù hợp xu thế dân chủ hóa của thời đại, đất nước hội nhập toàn diện và rộng rãi; là vấn đề được trong nước và quốc tế quan tâm”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho biết, trên thực tế, nhiều vấn đề quan trọng đã được lấy ý kiến nhân dân như về Hiến pháp, điều chỉnh địa giới hành chính. Đại biểu tán thành chủ trương xây dựng luật này vì đây là vấn đề rất lớn về quyền dân chủ trực tiếp của người dân.

Về những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, nhìn chung các ý kiến đại biểu đồng ý với phương án chỉ quy định khái quát, mang tính nguyên tắc. Đó là những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng dân quyết định.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) tán thành vì quy định này thể hiện phạm vi rất rộng để Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, nếu thống nhất như quy định này và đảm bảo trưng cầu không xâm phạm quyền con người, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đại biểu cho rằng nên chế định một số vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân như thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến đồng tình phương án quy định bao gồm cả Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam bên cạnh Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam), Hiến pháp giao Mặt trận quyền giám sát, phản biện, đại diện thì luật này cũng nên giao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam. Vì qua nhiều kênh, Mặt trận có thể nắm bắt được nguyện vọng của dân.

Có trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương?

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước với lý do điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Văn Lai, trưng cầu ý dân cũng phải được thực hiện ở phạm vi vùng, địa phương.

“Ví dụ vấn đề liên quan địa bàn biển đảo, núi rừng thì đồng bào miền núi hay đồng bằng cũng bỏ phiếu là chưa phù hợp. Anh không hiểu, thiếu thông tin nhưng vẫn bỏ phiếu thì kết quả dễ méo mó. Do đó cần quy định cả hai phạm vi”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Đức nêu quan điểm, nên có định hướng tập trung vấn đề lớn mang tính quốc gia sẽ xin ý kiến quốc dân đồng bào cả nước, còn việc ở địa phương nên lấy ý kiến nhân dân ở vùng miền.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói: “Có những việc như ở khu vực sông Đồng Nai, liên quan tỉnh Đồng Nai và TPHCM thì chỉ cần trưng cầu ý dân ở vùng đó thôi. Mặt khác không dễ gì trưng cầu ý dân cả nước, do đó nên nghiên cứu để bảo đảm khả thi”

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên