MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất tăng lương: Khó cả đôi bên

29-08-2015 - 08:49 AM | Xã hội

Cả DN và người lao động đều đang chờ quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng 2016 từ Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Tuy nhiên, dù ở mức tăng nào, người chủ sử dụng lao động và người lao động đều có thể gặp khó trong tình hình hiện nay.

Mất lợi thế nhân công giá rẻ

Cho đến ngày 25-8, các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn chưa chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, vì đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không chấp nhận mức tăng lương tối thiểu lên 16,8% (theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mà chỉ có thể chịu đựng được mức tăng 10%. Nếu tăng cao hơn mức này, phía VCCI cho rằng, DN không thể kham nổi.

Từ góc nhìn của người lao động, trong cuộc họp bàn vừa qua, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, lương tối thiểu không đủ sống, công nhân ngày càng kiệt sức, điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà còn ảnh hưởng cả đến thế hệ “con cháu của công nhân” sau này.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của những người sử dụng lao động, theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, DN trong thời gian qua và thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong đó có sự ảnh hưởng từ việc Việt Nam ký hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và việc gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Điều này sẽ khiến thị trường trong nước mở rộng hơn, các DN nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh, kinh nghiệm lâu năm tràn vào khiến áp lực cạnh tranh của DN trong nước tăng lên. Chính vì thế, nếu DN nào không đủ sức chịu đựng rất dễ sụp đổ.

Hơn nữa, vị này còn nhấn mạnh, để thu hút khách hàng và các hợp đồng sản xuất, bán hàng, lợi thế của các DN Việt Nam từ trước đến nay luôn nghiêng về nhân công giá rẻ. Nếu mức lương tăng quá cao thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế này và Trung Quốc đang là bài học nhãn tiền. Do đó, vấn đề trên cần một lộ trình dài hơi hơn để DN dần thích nghi và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giảm dần áp lực dựa vào lợi thế giá nhân công.

Chính vì thế, ông Mạnh cho rằng, nếu tăng lên mức lương quá cao, công nhân sẽ phải đứng giữa 2 sự lựa chọn, một là tăng lương nhiều nhưng đi làm được vài tháng thì DN phá sản, lại phải tìm việc từ đầu, hai là tăng lương ít nhưng DN đủ sức trụ vững, công nhân vừa có việc làm mà có thể có thêm những khoản tiền thưởng nếu doanh thu cao.

Cùng “gánh” lương

Nhìn nhận một cách lạc quan hơn, theo ông Hà Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang (DN chuyên sản xuất giấy), khi mức lương của công nhân tăng lên thì thông thường, giá cả thị trường cũng sẽ được đẩy lên và sức mua sẽ tăng lên. Như vậy, những DN sản xuất, nhất là DN sản xuất hàng tiêu dùng sẽ được lợi. Hơn nữa, các DN hiện nay đã chú trọng hơn vào năng suất lao động, khoán sản phẩm cho từng công nhân nên bắt buộc họ phải làm theo để phù hợp với mức lương được trả. Vì thế, tăng lương như thế nào cho phù hợp không quan trọng bằng việc DN nhìn nhận lại cách thức quản lý kinh doanh, tìm phương án tối ưu hóa sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh cho biết thêm, các cơ quan chức năng cần tìm ra phương án tăng lương phù hợp với điều kiện của cả DN và người lao động. Nguyên nhân vì cùng thời điểm 1-1-2016 với việc tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng tăng lên khi lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, khoản tiền mà cả DN và người lao động phải bỏ ra đều tăng lên.

Còn theo ước tính của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - một tập đoàn thủy sản lớn với hơn 15.000 lao động làm việc tại 8 công ty thành viên trực thuộc, nếu mức tăng lương tối thiếu vùng tăng thêm 10% và thu nhập người lao động tăng tương đương 10%, các khoản phụ cấp khác tăng 4%, BHXH tăng 66% thì chi phí tăng thêm của Tập đoàn 135,12 tỷ đồng. Đây là khoản tiền tăng thêm rất lớn mà cả DN và người lao động cùng phải đóng góp và sẽ là một “gánh nặng” đối với một tập đoàn lớn, chưa nói tới các DN thủy sản nhỏ.

Chia sẻ thêm về điều này, đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, việc tăng lương tối thiểu mới chỉ nhằm vào hơn 30% lực lượng lao động chân chính, còn gần 70% là lực lượng lao động ở các DN nhỏ lẻ, không khai báo đúng số lượng nhân công và mức lương, không đóng BHXH lại chưa có chế tài đủ mạnh để bao quát và quản lý đúng mức thu chi.

Có thể thấy, nhìn từ góc độ nào của việc đề xuất tăng lương có lẽ cũng đúng, nhưng quan trọng là các cơ quan chức năng phải xem xét để có mức tăng hợp lý, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, để tồn tại và phát triển không chỉ của một DN nói chung mà của từng người lao động nói riêng đều rất gian nan.

Tuy nhiên, mức lương chỉ phản ánh một phần vấn đề của DN cần giải quyết hiện nay. Phương thức kinh doanh, đầu tư vào khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực của DN nước ta phải được chú trọng hơn nữa để tăng năng suất lao động, để mức lương nào trả cho người lao động cũng xứng đáng.

Theo Hương Dịu

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên