MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Quảng Ninh “chấm điểm” lãnh đạo sở, ngành

05-10-2015 - 13:53 PM | Xã hội

1.400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Quảng Ninh sẽ được chấm điểm một số sở, ngành như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Cục Thuế... và các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí...

Tổ công tác PCI đã đề xuất UBND Quảng Ninh phê duyệt Kế hoạch Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành địa phương Department & District Competitiveness Index (DDCI).

Việc xây dựng DDCI xuất phát từ thực tế việc nâng cao chất lượng điều hành của các cấp một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, thành viên Tổ công tác PCI, bộ Chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các kế hoạch, chương trình và tài liệu khảo sát doanh nghiệp của một số tỉnh và phương pháp khảo sát PCI.

Dự kiến giai đoạn 1 trong năm 2015 này sẽ tiến hành đối với 6 địa phương là những địa bàn có nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp và 7 sở, ngành được lựa chọn trên cơ sở nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ gắn kết nhiều hoặc trực tiếp tới các lĩnh vực liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào những lĩnh vực đang có chỉ số thành phần PCI thấp, cần tập trung cải thiện.

Cụ thể, các địa phương: Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Thị xã Đông Triều, Quảng Yên.

Các sở, ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Cục thuế tỉnh, Cục Hải quan.

Trong giai đoạn 2 từ năm 2016 đến các năm tiếp Tổ công tác PCI Quảng Ninh sẽ đề xuất nhân rộng đối tượng được khảo sát đến toàn bộ Sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh.

Đại diện Tổ công tác PCI cho biết, DDCI có tiêu chí đánh giá tương tự như Bộ chỉ số PCI nhưng tập trung đánh giá tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của Lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý.

"Việc điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp hiệu quả, do Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh là cơ quan đầu mối thực hiện trên cơ sở phối hợp cùng Tổ công tác PCI tỉnh và có sự tham vấn của các chuyên gia PCI thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện", đại diện Tổ công tác PCI Quảng Ninh cho biết.

Bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh góp ý 3 điểm cần sửa đổi liên quan đến biểu mẫu như cần đưa ra dự kiến bộ Chỉ số gồm bao nhiêu tiêu chí, có thang điểm đánh giá giỏi, khá đạt hay không đạt để đánh giá chất lượng quản lý điều hành của sở, ngành, địa phương thay vì nói chung chung sẽ khó đánh giá tổng hợp.

Thứ hai, cần tham khảo xem xét DDCI của một số tỉnh đã làm, khi đánh giá cạnh tranh từng lĩnh vực cụ thể, thuyết phục.

Thứ ba, mẫu số khảo sát không nên yêu cầu doanh nghiệp nói rõ tên và địa chỉ để khách quan thuận lợi vì thực chất doanh nghiệp rất ngại "va chạm" với sở, ngành, địa phương.

Phản hồi ý kiến của lãnh đạo Sở Nội vụ không nên yêu cầu doanh nghiệp nói rõ họ tên, địa chỉ ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh cho biết, nội dung nằm nhằm đảm bảo phiếu được doanh nghiệp thực hiện trên tiêu đề đã ghi rõ nội dung bảo mật.

Ông Thể cũng kỳ vọng, tới đây theo đánh giá từ bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh (DDCI) khi lấy phiếu đánh giá sở, ban ngành, huyện, thị sẽ nhận thức và làm tốt hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo TÂM AN

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên