MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kê khai tài sản: Khó mà tin!

16-09-2014 - 22:48 PM | Xã hội

Trong 944.425/952.178 người kê khai tài sản, chỉ có 1 người bị phát hiện khai không trung thực và bị kỷ luật cảnh cáo

Về số liệu liên quan minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận xét: “Việc minh bạch tài sản, đặc biệt là kê khai và công khai bản kê khai đó ở cơ quan làm việc, còn hình thức và gần như không tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn”.

Ai cũng khai đúng?

Theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (cơ quan giúp Chính phủ xây dựng bản báo cáo nói trên), tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy đã có 944.425/952.178 người (đạt 99,2%; tăng 0,7% so với năm 2012) kê khai tài sản, thu nhập. Trong số này, có 914.245 bản kê khai đã công khai trong cuộc họp ở cơ quan hoặc niêm yết tại nơi làm việc (đạt 96,8% so với số bản đã kê khai; tăng 37,4% so với năm 2012); có 6.935 người chậm kê khai tài sản trong năm 2013.

Đáng chú ý, chỉ phát hiện 5 người kê khai tài sản, thu nhập phải tiến hành xác minh và chỉ có 1 người bị kỷ luật đến mức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang thi hành kỷ luật đối với ông Cao Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang, do không kê khai tài sản, thu nhập năm 2010 và kê khai tài sản không trung thực trong 4 năm (2008, 2009, 2011, 2012).

Ngoài ra, có 6 trường hợp khác bị kỷ luật do chậm tổ chức kê khai và chậm kê khai tài sản, gồm: ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (chậm kê khai tài sản, thu nhập); 4 người tại Tổng Công ty Vận tải thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải (chậm kê khai và tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập); Chủ tịch Hội Y học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh bị phê bình về chậm tổ chức kê khai tài sản, thu nhập.

Có “vấn đề” thì mới xác minh

Theo lý giải của ông Trần Đức Lượng, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc không kiểm soát được toàn bộ thu nhập của xã hội nên để biết chắc chắn cán bộ có chức quyền đang có bao nhiêu tài sản là không đơn giản.

Mặt khác, chỉ bắt buộc kê khai tài sản của vợ chồng và con cái trong tuổi vị thành niên; việc thanh toán tiền mặt quá phổ biến, chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập khác ngoài lương của đối tượng hưởng lương qua ngân sách, nhất là việc mua bán tài sản giá trị lớn chưa được thanh toán qua tài khoản.

Ông Lượng hy vọng những kẽ hở này sẽ phần nào được khắc phục khi sắp tới Chính phủ thông qua đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ xây dựng để đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho biết theo quy định hiện nay, bản kê khai tài sản được niêm yết tại cơ quan hoặc thông báo tại cuộc họp ở cơ quan mà cán bộ làm việc. Chính vì thế, chỉ khi bản kê khai tài sản tăng thêm hằng năm (quy định từ 50 triệu đồng trở lên - PV) “có vấn đề” thì cơ quan thẩm quyền mới xác minh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đạt, trong bản đề án kiểm soát thu nhập, tài sản trình Chính phủ, cơ quan này đã đề xuất cán bộ công chức có nhiều tài sản có thể phải chứng minh nguồn gốc. Đặc biệt, đề xuất kiểm soát chặt chẽ các khoản chi đầu tư, chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn; mở rộng thu thập thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện những tài sản, thu nhập bất hợp pháp...

Ông Đạt cho biết trong tương lai sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ khi được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu.

>>>Chỉ có Việt Nam "bảo mật" tài sản quan chức?

Theo THẾ KHA

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên