Kinh tế Việt nam - CHLB Đức: Hướng tới 20 tỉ USD trong 5 năm tới
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỉ USD trong 5 năm tới.
Nhận lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Đức từ ngày 24 đến ngày 26-11-2015. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975.
Đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỉ USD trong 5 năm tới
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỉ USD trong 5 năm tới.
Hai nhà lãnh đạo hài lòng về việc hai nước có nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả như Nhóm điều hành chiến lược, Đối thoại kinh tế vĩ mô, Tham vấn chính trị và các tổ công tác song phương trong nhiều lĩnh vực, giúp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm tạo xung lực thúc đẩy mạnh mẽ và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao sự phát triển nhanh và bền vững của việc trao đổi thương mại song phương. Trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng gấp đôi, từ 4,1 tỉ USD năm 2010 lên 7,8 tỉ USD năm 2014. Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.
Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam còn khiêm tốn, hiện mới đạt 1,41 tỉ USD, đứng thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU). Vì thế, hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỉ USD và đầu tư của Đức tại Việt Nam lên 5 tỉ USD trong 5 năm tới, đồng thời nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu như công nghiệp chế tạo, kỹ thuật điện và điện tử, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, hàng nông - thủy sản…
Thủ tướng Angela Merkel cũng nhất trí Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Đức. Trong khi đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Đức mở rộng chương trình hợp tác lao động sang các ngành nghề có nhiều triển vọng như nhân viên kỹ thuật trong bệnh viện, công nhân sản xuất trang thiết bị chấn thương chỉnh hình.
Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với EU và Đức.
Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử
Trả lời báo chí sau khi kết thúc chuyến thăm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chuyến thăm nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo Đức bày tỏ coi trọng và đánh giá chuyến thăm là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo Đức đón tiếp Chủ tịch nước ta trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước.
Phó Thủ tướng cho biết, tại các cuộc hội đàm, hai bên đã xác định những phương hướng và biện pháp cụ thể đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức trong thời gian tới, nhất là về hợp tác thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Nhiều cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng đã được thiết lập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Frankfurt, góp phần tạo xung lực mới, khơi thông dòng chảy giao thương giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 06 thỏa thuận hợp tác: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về động cơ máy bay A320.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại thành phố Frankfurt lần này, nhiều quan hệ hợp tác kinh doanh đã được thiết lập và nhiều cơ hội hợp tác đầy triển vọng đã được mở ra. Đây là những bước đi cụ thể, thiết thực nhằm gia tăng hợp tác giữa các đối tác và doanh nghiệp hai nước. “Có thể khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã thành công tốt đẹp, tạo bước chuyển biến mới và đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch giữa Việt Nam và EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương năm 2014 tăng mạnh bất chấp tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu, đạt 7,8 tỷ USD (trong đó Xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, Nhập khẩu đạt 2,6 tỷ USD); kim ngạch thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2015 đạt 4,02 tỷ USD (trong đó Xuất khẩu đạt 2,84 tỷ USD, Nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD). Tính đến cuối tháng 10/2015 Đức có 274 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.478 tỷ USD, đứng thứ 21 trên tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Đức có dự án đầu tư tại 30 tỉnh, thành phố của cả nước, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như TP HCM, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng...Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: DaimlerChrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...