Lừa đảo qua các hợp đồng kinh tế
Phạm Thế còn đăng lên mạng internet về mã số thuế, trụ sở công ty, điện thoại liên lạc, các thông tin cá nhân... để bán sắt thép nhằm lừa các doanh nghiệp có nhu cầu.
- 05-10-2015Sếp ngân hàng dùng quái chiêu mượn sổ tiết kiệm để lừa đảo
- 04-10-2015Cán bộ ngân hàng xinh đẹp lừa đảo nhiều tỷ đồng
- 01-10-2015Lợi dụng quan hệ người thân - Thủ đoạn mới để lừa đảo tín dụng
- 29-09-2015Giả danh cán bộ đi lừa đảo doanh nghiệp
- 29-09-2015Giả con trai thứ trưởng Bộ Công an để lừa đảo
Công ty TNHH SX TM Tôn thép Việt Nhật (gọi tắt Công ty tôn thép Việt Nhật - Trụ sở quận 2) do Phạm Thế Tân làm Giám đốc. Công ty có giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất mua bán tôn, thép, với vốn đăng ký 5 tỷ đồng.
Sau một thời gian hoạt động, Công ty mất khả năng tài chính, nợ thuế hơn 100 triệu đồng không còn khả năng thanh toán và Chi cục thuế quận 2 có thông báo về biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Đến tháng 3/2014, Chi cục thuế quận 2 ra thông báo hóa đơn của Công ty Tôn thép Việt Nhật không còn giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, với mục đích lừa đảo, Phạm Thế Tân đã lấy danh nghĩa Giám đốc Công ty Tôn thép Việt Nhật đặt mua của Công ty TNHH MTV Cơ khí Thép SMC (gọi tắt Công ty Cơ khí Thép SMC - đối tác đã đã từng có mối quan hệ làm ăn trước đây) số lượng lớn thép. Công ty Cơ khí Thép SMC đồng ý bán hàng cho Công ty Tôn thép Việt Nhật trả chậm trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận hàng, nhưng với điều kiện phải có chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng.
Thực hiện thỏa thuận, Phạm Thế Tân đại diện Công ty Tôn thép Việt Nhật đã ký 2 hợp đồng mua thép của Công ty Cơ khí Thép SMC hơn 83 tấn hàng với trị giá hơn 1 tỷ đồng. Do có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép, Tân biêt rất rõ điều kiện để được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh thì buộc phải có tài sản thế chấp. Tân đã thuê người làm 2 chứng thư bảo lãnh giả của ngân hàng để giao cho Công ty Cơ khí Thép SMC.
Phạm Thế Tân còn đăng lên mạng internet về mã số thuế, trụ sở công ty, điện thoại liên lạc, các thông tin cá nhân... để bán sắt thép nhằm tiếp tục lừa các DN khác.
Do có nhu cầu, anh Đ.V.C. Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí XNK Việt Anh (Công ty Việt Anh) lên mạng tìm thông tin các công ty mua bán thép và điện thoại gặp Tân. Sau khi thoả thuận, hai bên ký hợp đồng, Công ty Tôn thép Việt Nhật bán cho anh C. thép lá mạ kẽm màu trắng sữa với tổng số tiền gần 132 triệu đồng.
Theo hợp đồng, Công ty Tôn thép Việt Nhật sẽ vận chuyển hàng giao đến tận kho cho Công ty Việt Anh và việc thanh toán được chia làm 2 đợt. Đợt 1, Công ty Việt Anh tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng. 50% còn lại Công ty Việt Anh sẽ giao khi đã nhận đủ hàng. Tuy nhiên, sau khi Công ty Việt Anh chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Công ty Tôn thép Việt Nhật, Phạm Thế Tân đã rút hết để chiếm đoạt và không có hàng để giao.
Tương tự, với thủ đoạn như trên, Phạm Thế Tân đã chiếm đoạt tiền đặt cọc mua hàng của DNTN Song Nguyên (Gia Lai), Công ty TNHH SX TM DV Trang Trí và nội thất Văn Nam (TP.Hồ Chí Minh), Công ty TNHH MTV Hoàng Yến Phát (Đồng Nai) và anh Dương Hớn Nam (An Giang) khoảng 400 triệu đồng tiền đặt cọc.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) cũng đã nhận được đơn của ông Phí Phong Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Thép IPC Sài Gòn, tố giác bà Phạm Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Lickystar Việt Nam. Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, tháng 8/2014 bà Phạm Thị Cẩm Hồng câu kết với Lê Thành Hiếu (SN 1975, ngụ quận 7) lập 3 chứng thư bảo lãnh thanh toán giả của ngân hàng, dùng để thế chấp bảo lãnh thanh toán cho 3 hợp đồng kinh tế mua thép xây dựng của Công ty TNHH Thép IPC Sài Gòn, nhận hàng và chiếm đoạt hơn 13,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho biết, hiện đang xác minh để làm rõ vụ việc trên.
Có không ít DN mặc dù không có năng lực tài chính, vẫn ký hợp đồng nhận thực hiện các dự án để... chiếm đoạt tiền.
Giữa tháng 9/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Thị Mỹ Chi (47 tuổi) – Giám đốc Công ty TNHH XD Xanh (gọi tắt công ty Xanh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Để chiếm đoạt tiền của đối tác, trong tháng 4/2010, Nguyễn Thị Mỹ Chi đại diện Công ty Xanh ký hai hợp đồng kinh tế với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cấp thoát nước (Waseco) để thi công một số hạng mục công trình xây dựng nhà máy xử lý và thoát nước thải. Công ty Xanh đã giao cho Công ty Waseco gồm 6 chứng thư của ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho Công ty Xanh.
Waseco đã chi cho Công ty Xanh ứng trước hơn 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Công ty Xanh chỉ thực hiện được khối lượng công việc trị giá chưa tới 980 triệu đồng, sau đó ngưng thi công. Nghi ngờ, Waseco xác minh và phát hiện tất cả 6 chứng thư bảo lãnh ngân hàng trên đều là giả mạo. Tiếp tục xác minh, điều bất ngờ nữa xảy ra là Công ty Xanh không hoạt động tại địa chỉ đăng ký và công ty này đã bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh liệt vào danh sách bỏ trốn, không khai báo thuế từ tháng 11/2010.
Những hệ lụy xảy ra như trên là do trước khi đặt bút ký các hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp đã không tìm hiểu kỹ lưỡng về tình hình hoạt động cũng năng lực tài chính của doanh nghiệp đối tác mà mình muốn hợp tác làm ăn. Đây chính là một bài học mà các DN cần cảnh giác.
Công an nhân dân