MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương Bộ trưởng có thật… khó sống?

28-05-2015 - 21:16 PM | Xã hội

"Nói lương là thế, nhưng tổng thu nhập của Bộ trưởng khác với lương, họ không khai làm sao mà biết được..."

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội trao đổi với Infonet bên hành lang Quốc hội sáng 28/5 xoay quanh tranh cãi mức lương Bộ trưởng hiện … khó sống.

Trong báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến Quốc hội cho biết, lương, phụ cấp công vụ của Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, với mức lương này người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong đó có các bộ trưởng cũng khó sống…?

Nói lương Bộ trưởng 14 triệu đồng/tháng là khó sống hay không thì cũng rất khó, vì phải tính dựa trên mức thang, bảng lương chung và trong điều kiện so với mức lương cán bộ công chức nói chung.

Còn nếu nói phù hợp hay chưa thì tôi cho rằng chưa phù hợp. Mức lương này không chỉ chưa phù hợp với riêng cá nhân một Bộ trưởng nào, mà cũng chưa phù hợp với các đối tượng lao động khác xét trong tổng thể khung hệ thống thang, bậc lương của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Nói lương là thế, nhưng tổng thu nhập của Bộ trưởng khác với lương, họ không khai làm sao mà biết được. Khoản này thì không có văn bản nào quy định. Có thể họ có lĩnh vực khác để đầu tư hoặc sự viện trợ nào đó mình không biết được… Cho nên, chừng nào chưa cải cách chế độ tiền lương mà chỉ sửa một cách chắp vá, tăng lương một cách nhỏ giọt như thời gian qua thì còn nhiều bất cập.

Nhưng chúng ta cũng đã có quy định về nghĩa vụ kê khai minh bạch tài sản, thu nhập thưa bà?

Chuyện kê khai thu nhập dù có quy định nhưng hầu hết vẫn phụ thuộc vào tinh thần tự giác là nhiều. Có những khoản thu nhập làm sao họ công khai hết được. Và chuyện giám sát sự kê khai thu nhập hiện nay rất khó, dù chúng ta có đặt ra vấn đề giám sát. Chỉ khi phát sinh trường hợp nghi ngờ mới giám sát kê khai thu nhập chứ không phải tất cả.

Chính vì thế, hiện mức đóng thuế thu nhập cá nhân của quan chức, lãnh đạo khá thấp, vì thuế chỉ tính dựa trên mức lương, chứ chưa tính trên thu nhập.

Nói về chuyện tăng lương cho người lao động, với khoản vượt thu ngân sách 2014 khoảng 80.000 tỷ đồng, nhiều ý kiến ĐBQH đặt vấn đề nên tính tới chuyện tăng lương cho các đối tượng chưa được điều chỉnh từ 1/1/2015 vừa rồi. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Vấn đề bức xúc nhất của xã hội liên quan tới nhiều người thì mới có thể tính toán dùng phần vượt thu ngân sách Nhà nước (NSNN) để cân nhắc chi. Còn vấn đề tăng lương thuộc trách nhiệm của Chính phủ, nếu Chính phủ thấy nhu cầu bức xúc thì trình Quốc hội bổ sung, xem xét. Nhưng tôi nghĩ, chuyện bổ sung tăng lương hiện nay chưa có khả năng.

Theo lộ trình là từ nay đến 2020, tiền lương cơ sở phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức và tiền lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động ở khu vực có quan hệ lao động. Nhưng thực tế mức lương hiện nay chưa theo kịp lộ trình cải cách tiền lương đã đề ra?

Chiến lược cải cách tiền lương phải tới năm 2020 mới cải cách được. Việc tăng lương nhỏ giọt thời gian qua đúng là chưa đảm bảo sự yên tâm cho người lao động, người làm công ăn lương.

Ví dụ, nâng lương cho người nghỉ hưu và lương thấp dưới 2,34 được thêm 8% từ 1/1/2015 vừa qua, tôi cũng thấy có điều chưa thỏa đáng. Người về hưu không phải đối tượng nào cũng lĩnh lương hưu thấp, chỉ những người về hưu trước năm 1995 thì quả là thấp thật. Vì mỗi người có trường hợp khó khăn khác nhau, thu nhập của mỗi người theo mức lương cũng do quá trình đóng góp, cống hiến.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh lương cơ sở trong năm 2015 dựa trên việc tạo nguồn của Bộ Tài chính. Với điều kiện hiện nay, mức tăng thêm bao nhiêu sẽ là hợp lý, thưa bà?

Việc tăng bao nhiêu để đáp ứng cuộc sống tối thiểu phải dựa trên 2 yếu tố chênh lệch giá ngoài thị trường và ngân sách có đảm bảo hay không. Nhu cầu hiện nay giá cả biến động việc tăng 10-20% cũng chỉ là mức tăng trước mắt, còn nói đáp ứng được cuộc sống hay chưa thì tôi cho rằng vẫn chưa.

Về lâu dài vẫn phải là cải cách chế độ tiền lương, bằng khảo sát, đánh giá lại tổng thể thu nhập hiện nay. Hiện mức lương của người tốt nghiệp đại học, tốn bao năm đèn sách, tôi cho rằng rất thấp. Tôi nghĩ, chúng ta phải tính toán, khảo sát, đánh giá kỹ những đóng góp, cống hiến của 1 người như thế nào thì mức lương phù hợp, chứ không phải ra trường là đồng loạt bằng nhau. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp đại học 4,5 năm ra trường lĩnh lương khởi điểm cũng bằng người học 6,7 năm. Như thế không hợp lý, không công bằng.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng lương vào thời điểm này như “đổ dầu vào lửa”, vì mỗi lần lương tăng là giá cả lại “té nước” tăng theo lương. Bà nghĩ sao về ý kiến trên?

Hình thức tăng hiện nay là chắp vá chưa thể gọi là cải cách tiền lương mà phải khảo sát đánh giá tăng giá hàng năm bao nhiêu phần trăm để tính cân đối, còn như hiện nay thì vẫn là chắp vá thôi.

 

Theo Trường Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên