MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý thiếu - thừa

18-08-2014 - 17:11 PM | Xã hội

Dư luận đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối, nhiều nhà hát, rạp chiếu phim hiện tại có trên địa bàn Thủ đô đang không sử dụng hết công năng và sai mục đích, tiếp tục xây dựng thêm những nhà hát, rạp chiếu phim hoành tráng để làm gì? Ai xem và ai diễn?

Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bản "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Dư luận lại một lần nữa dấy lên những băn khoăn lo ngại về những mục tiêu "đao to búa lớn" trong xây dựng cơ bản mà bản Quy hoạch đã đề cập, trong đó có việc cải tạo một số nhà hát, xây mới những trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại "đạt chuẩn quốc tế và là điểm đến, biểu tượng của một số tỉnh, thành phố...".

Dư luận đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối, nhiều nhà hát, rạp chiếu phim hiện tại có trên địa bàn Thủ đô đang không sử dụng hết công năng và sai mục đích, tiếp tục xây dựng thêm những nhà hát, rạp chiếu phim hoành tráng để làm gì? Ai xem và ai diễn?

Điều dư luận băn khoăn, lo ngại không phải là không có căn cứ. Sau Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới", đã có 5 đề án được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch triển khai và lần lượt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có đề án "Trên cơ sở quy hoạch và rà soát, đánh giá lại các công trình hiện có, xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm) từ 2010 đến 2020" được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 88/QĐ-TTg ngày 09/01/2013.

Theo đề án này, số nhà hát được nâng cấp và xây mới là 71 (trong đó xây mới 51, nâng cấp 20). Số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng là 106 rạp (xây dựng mới 57 rạp, trong đó có 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP HCM với quy mô 1.500 ghế, nâng cấp 49 công trình rạp chiếu phim).

Số nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật cần xây mới là 36, nâng cấp 66. Ngoài ra, còn đầu tư trang thiết bị cho các đội chiếu bóng lưu động, các nhà triển lãm... Tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 6.500 tỉ đồng, các nguồn huy động khác là 4.300 tỉ đồng.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về đề án này. Và đến nay, khi bản "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ thì nội dung "Cải tạo, nâng cấp, xây mới các nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật nhằm đáp ứng việc phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả" tiếp tục được đề cập và đặc biệt là ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM sẽ có những trung tâm biểu diễn nghệ thuật hoành tráng "mang tầm quốc tế".

Công trình Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Nhà hát "3 nón lá") với mức đầu tư 222 tỉ đồng.

Theo đó, sẽ xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 - 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu. Đồng thời, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn.

Ngoài ra, một số "hạng mục" của quy hoạch cũ (là Quy hoạch đến năm 2010 đã được phê duyệt theo Quyết định số 45/2008/QĐ-TTg) sẽ được tiếp tục thực hiện: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc sẽ được đầu tư để xây mới trong thời gian sớm nhất.

Đành rằng, ưu tiên cho phát triển văn hóa là đầu tư cho con người, song trong bối cảnh hiện cả nước có tới hơn 70 nhà hát đang được sử dụng khá khiêm tốn vào mục đích biểu diễn nghệ thuật, thì việc nhà nước đầu tư, huy động gần 11 ngàn tỉ đồng để tiếp tục xây dựng nhà hát được đánh giá là việc làm "trên trời" và khá... lãng mạn.

Nếu không xây dựng được chương trình, tiết mục, không duy trì được biểu diễn, không có khán giả thì việc xây những nhà hát "rất to" cũng sẽ tiếp tục lâm vào cảnh "đắp chiếu" như hiện nay, chứ không thể có việc xây nhà hát hoành tráng, tiện nghi thì sẽ hút được khán giả đến rạp.

Chia sẻ quan điểm này, nhà báo, nhà biên kịch Lê Quý Hiền - người luôn dành sự quan tâm đáng kể đến nghệ thuật sân khấu nước nhà thẳng thắn: "Tôi đồng ý với việc là phải nhìn xa trông rộng và xã hội phải dành sự quan tâm cho văn hóa nghệ thuật, song xây nhà hát hoành tráng trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp.

Xây dựng nhà hát phải tính đến mục đích của việc xây dựng, là cái sẽ có bên trong nhà hát, là để khán giả đến xem chứ nhà hát không phải là tượng đài để Hà Nội, TP HCM ... khoe mẽ. Còn ở các tỉnh, xây dựng những nhà hát 1.000 - 2.000 chỗ là căn cứ vào đâu?

Để biểu diễn cái gì? Một năm có được bao nhiêu chương trình và lấy đâu ra người để lấp đầy số ghế ấy? Trong khi đất nước còn nghèo, dân ta còn nghèo, chỉ cần xây 3 nhà hát tử tế ở 3 thành phố Trung tâm, khai thác công năng tối đa để lúc nào cũng đỏ đèn còn hơn là mỗi đơn vị nghệ thuật có một nhà hát mà lại "tối lửa tắt đèn" suốt năm...".

Cảnh "tối lửa tắt đèn" của các nhà hát trên địa bàn Thủ đô từ hàng chục năm nay đã là điều không còn phải bàn nữa, nhưng cứ thử dạo một vòng quanh các nhà hát hiện có trên địa bàn Hà Nội sẽ thấy ngay những bất cập của các đề án, quy hoạch xa rời thực tế: Rạp Kim Mã của Nhà hát Chèo Việt Nam tọa lạc trên một con phố thuận tiện nhưng khuôn viên đã thành địa điểm bán cà phê, hoa cảnh và rất hiếm hoi mới thấy có băng zôn khiêm tốn quảng cáo một đêm diễn, một tiết mục mới; Rạp xiếc Trung ương của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trở thành nhà hàng sầm uất với biển hiệu chềnh ềnh che khuất cả khuôn viên bên ngoài của rạp; Rạp chiếu phim Tháng 8 tận dụng địa điểm đẹp bậc nhất Thủ đô (phố Hàng Bài) để mở cho thuê làm sàn nhảy trong khi phòng chiếu lại khá bé...

Bản thân người viết bài này từng đến rạp Đại Nam để gặp NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - đã rất ngạc nhiên khi phải "lách" qua một đám cưới đậm đặc mùi thức ăn và tiếng ồn mới tìm được nơi các nghệ sĩ đang luyện tập.

Nằm ngay trên Phố Huế, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Rạp Đại Nam vốn được đầu tư gần 100 tỉ đồng và là một trong những công trình trọng điểm để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã ngay lập tức trở thành địa điểm tổ chức tiệc cưới lý tưởng cho nhiều cặp đôi. Và thêm một "địa chỉ vàng" nữa - đó chính là Nhà hát Lớn Hà Nội - từ lâu đã trở thành địa chỉ lý tưởng để tổ chức hội nghị, trao các giải thưởng này nọ hơn là dành cho những đêm diễn nghệ thuật đúng nghĩa.

Gần đây, nhà hát "Ba nón lá" ở Bạc Liêu đã được đầu tư xây dựng với kinh phí 222 tỉ đồng đã được dư luận đặt câu hỏi không biết sau "Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ" mà nhà hát này dự định phục vụ nhưng không kịp hồi cuối tháng 4 vừa qua, không biết nhà hát hoành tráng này sẽ được sử dụng vào mục đích gì cho phù hợp và đỡ lãng phí với một địa phương như Bạc Liêu?

Trước đây, mặc dù vấp phải sự phản ứng khá gay gắt của dư luận, song Bảo tàng Hà Nội với kinh phí đầu tư 2.300 tỉ đồng vẫn được hoàn thành đúng tiến độ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đúng như dự đoán, đó là một bảo tàng ít khách tham quan. Người Hà Nội vẫn chưa hết ngậm ngùi, tiếc nuối thì một dự án nữa đã được thông qua, đó là dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long với kinh phí 4.500 tỉ đồng.

Đáng lẽ, dự án này đã được "động thổ để chào mừng" vào ngày 7/10/2010, nhưng do "bộn bề công việc" nên ngày động thổ đã được lui lại và lễ khởi công được ấn định vào ngày 10/10/2015 "dự kiến được xây dựng ở Tây Hồ Tây, bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ, ngoài ra có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời và nhiều phòng chức năng" đã một lần nữa dấy lên luồng dư luận lo ngại việc này sẽ lặp "vết xe đổ" của Bảo tàng Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm về việc "quy hoạch xây dựng" những nhà hát quy mô, hoành tráng, NSND Trung Kiên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã thẳng thắn chia sẻ với báo chí: "Nhà nước và xã hội quan tâm thì mừng quá rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Cho ai xem?". Đây thật sự là câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm, suy nghĩ. Nhất là cái mốc năm 2020 tính từ đây không còn xa nữa...

Theo Hà Anh

cucpth

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên