MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/09/2015

29-08-2015 - 09:06 AM | Xã hội

Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, chế độ lương đối với lao động dôi dư, hướng dẫn mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, chế độ xe công... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/09/2015

Khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT

Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế và Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/09/2015 đã điều chỉnh nội dung về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Nếu như trước đây, chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế phải tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, người khám, chữa bệnh mới được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; thì kể từ tháng 09/2015, cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải vì lý do quá tải, người khám, chữa bệnh vẫn hưởng quyền lợi này.

Tuy nhiên, trước khi tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, cơ sở y tế phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội. Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT.

Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Với việc ban hành Thông tư số 09/2015/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định siết chặt hơn các điều kiện về mua, bán nợ. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 03%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; và đặc biệt, không được mua lại các khoản nợ đã bán.

Về đồng tiền giao dịch trong mua bán nợ, Thông tư quy định phải là đồng Việt Nam; việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán chỉ được thực hiện trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán khoản nợ bằng ngoại tệ cho bên mua nợ là người không cư trú.Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015.

Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm

Có hiệu lực từ ngày 01/09/2015, Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể về xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo Thông tư này, tiền lương được xác định căn cứ vào định mức lao động và tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong đó, tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng. Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Mọi học sinh đã tốt nghiệp THCS đi học trung cấp đều được giảm 50% học phí

Nội dung mới này được thể hiện tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/09/2015. Cụ thể, Thông tư liên tịch quy định tất cả học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được giảm 50% học phí thay vì chỉ học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 03 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp mới được hưởng quyền lợi này.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch này cũng hướng dẫn cụ thể hơn về phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập. Trong đó, Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh THCS;  Sở giáo dục và đào tạo chi trả cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả.

Hộ cận nghèo được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài

Rất nhiều chính sách mới về hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) được quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, trong đó nổi bật là quy định NLĐ thuộc hộ cận nghèo hoặc là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, NLĐ phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định.

Thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của NLĐ ghi trong hợp đồng ký kết giữa NLĐ và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất vay vốn được áp dụng trong trường hợp này bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.

Lao động dôi dư tại công ty Nhà nước được hưởng 3 tháng lương/năm nghỉ hưu sớm

Khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, người lao động dôi dư sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu sớm; được hưởng trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu sớm và 01 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để được hưởng những quyền lợi này, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như: Được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/04/1998 hoặc trước ngày 26/04/2002; có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; từ đủ 55 - 59 tuổi đối với nam hoặc từ đủ 50 - 54 tuổi đối với nữ.

Riêng với lao động nam dôi dư trên 59 tuổi - dưới 60 tuổi, lao động nữ trên 54 tuổi - dưới 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

Nội dung trên được nêu rõ tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP; có hiệu lực từ ngày 15/09/2015.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu

Đây là nội dung nổi bật của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, trường hợp người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của NLĐ là tối đa 05 lần lương tối thiểu. Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng này tối đa không quá 05 lần lương cơ sở.

Ngoài ra, Thông tư này cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động của NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2015; tuy nhiên các chế độ quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 01/01/2015.

Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng

Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/09/2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 01 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.

Bên cạnh đó, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá. Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác.

Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đó mà không được mua thêm xe mới.

Hồng Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên