Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, sẽ thoát án tử
7 tội danh được chính thức bỏ án tử hình, theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua...
Với Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 27/11, Quốc hội đã đồng ý bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh.
Gồm các tội: cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy ; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.
Về việc một số vị đại biểu không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở tội cướp tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, đối với tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về tội cướp tài sản và tội giết người (đã có hình phạt tử hình).
Còn với đối với tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu về tội khủng bố.
Các tội danh này thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Sau nhiều tranh luận trái chiều, đa số các vị đại biểu đã đồng ý với quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Quy định này thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo bộ luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” tại điều 40.
Kết quả phiếu thăm dò cho thấy số đại biểu tán thành với quy định này là 260/415 và 155 vị không tán thành.
Trước khi biểu quyết chung về toàn bộ bộ luật, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về điều 40. Đây là nội dung nhận được ít sự ủng hộ nhất. Có 342/429 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành với quy định này (tương đương 69,23% tổng số đại biểu Quốc hội) trong khi tất cả các nội dung khác đều nhận từ 80-86% phiếu thuận.
“Khai tử” tội cố ý làm trái
Cho đến tận phiên thảo luận cuối cùng, bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý thay thế bằng các tội danh cụ thể vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành).
Kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu cho thấy có 333/405 vị tán thành bỏ tội danh này.
Trước đó, qua lấy ý kiến nhân dân cũng cho thấy đa số ý kiến đồng ý bỏ tội danh cố ý làm trái.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thay thế điều 165 bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.
Theo báo cáo giải trình, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong “Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” (gồm 45 điều), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực kinh tế để tránh bỏ lọt tội phạm.
Một điểm mới khác là dự thảo bộ luật đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, việc bổ sung quy định này là cấn thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.
Theo đó, dự thảo đã quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chương các tội phạm về môi trường.
VnEconomy
- Bổ sung quy định về hình thức phá sản công ty nông lâm nghiệp
- Bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
- Đại biểu Quốc hội: Ngăn chặn tình trạng bắt tay bác sỹ “thổi” giá thuốc
- Hôm nay bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
- Đại biểu Trần Du Lịch: Tuổi thọ của luật ngắn quá, cần nâng cao chất lượng đại biểu