Phòng chống tham nhũng cần “con hổ có răng”
Hệ thống pháp luật, chính sách khá đầy đủ nhưng phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, bởi giống “con hổ không răng” vì chưa đủ sức mạnh.
- 25-12-2015Tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi
- 25-12-2015Giải pháp phòng chống tham nhũng phải lấy phòng ngừa làm chính!
- 24-12-2015Tổng Thanh tra thừa nhận: Cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng!
- 24-12-2015Tố cáo tham nhũng qua đường dây nóng tăng đột biến
Có sự ví von rằng hệ thống cơ chế, chính sách trong phòng chống tham nhũng của chúng ta tuy khá đầy đủ nhưng lại giống như "con hổ không răng".
Theo TS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, vừa qua chúng ta làm cho “hổ có răng” như sửa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng như cơ quan có trách nhiệm rất ráo riết để dần hình thành các biện pháp trực tiếp, cụ thể. Cơ quan phụ trách cũng được tăng cường về nhiều mặt để nâng sức mạnh.
Phát hiện ít không có nghĩa là tình hình tham nhũng giảm
PV: Theo đánh giá của tổ chức quốc tế, tình hình tham nhũng ở Việt Nam tăng và trong ba năm qua, số điểm đánh giá về nhận thức tham nhũng không đổi. Trong khi theo báo cáo của các cơ quan Nhà nước thì tình hình tham nhũng tuy diễn biến phức tạp nhưng giảm. Theo ông, tại sao lại có sự khác nhau trong đánh giá như vậy?
TS Đinh Văn Minh: Đấy chính là sự khác nhau khiến chúng ta cần suy nghĩ. Sự đánh giá của quốc tế là tương đối toàn diện. Còn đánh giá của cơ quan Nhà nước tùy thuộc vào số liệu chính thức của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đối với các vụ việc. Cho nên có sự khác nhau như vậy.
Bản thân chúng ta cũng thấy tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp khó vì tham nhũng tinh vi hơn nên số liệu về vụ việc được phát hiện giảm chứ không phải tình hình giảm.
PV: Từ thực tế đó cho thấy băn khoăn của người dân: Tham nhũng đang trốn ở đâu? chống ai, ai chống vẫn đang cần lời giải đáp minh bạch, không thể chung chung?
TS Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy. Thực ra thì câu chuyện này từ xưa đến nay ta luôn luôn đặt ra. Ngoài giải pháp phòng ngừa thì chúng ta cũng cố gắng nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trên thực tế thời gian vừa qua có nhiều vụ việc nghiêm trọng, lớn được xử lý.
Mặc dù tình hình tham nhũng còn phức tạp nhưng từng bước chúng ta cũng có biện pháp, giải pháp mới, đặc biệt là sự sửa đổi quy định pháp luật có liên quan và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nên có tiến bộ nhất định như ta đã thấy.
PV: Có sự ví von rằng hệ thống cơ chế, chính sách trong phòng chống tham nhũng của chúng ta tuy khá đầy đủ nhưng lại giống như con hổ không răng. Ông có bình luận gì về nhận định này?
TS Đinh Văn Minh: Đây cũng là một nhận xét cần suy nghĩ để xem điều đó cần tiếp nhận như thế nào. Xét về hệ thống pháp luật khá đầy đủ nhưng việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn hạn chế. Hình ảnh con hổ không răng là sức mạnh của nó không đủ mạnh.
Vừa qua ta làm cho con hổ “có răng” như sửa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng như cơ quan có trách nhiệm khác rất ráo riết để dần hình thành các biện pháp trực tiếp, cụ thể. Cơ quan phụ trách đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng được tăng cường về nhiều mặt để nâng sức mạnh.
PV: Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tập trung đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án trọng điểm, thúc đẩy các địa phương làm ráo riết, quyết liệt hơn, nhất là những địa bàn trọng điểm, các cơ quan, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng… Ông đánh giá như thế nào về tiến độ triển khai các công việc này từ thời điểm đó đến nay?
TS Đinh Văn Minh: Các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đều nhằm thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong tình hình hiện nay chúng ta quan tâm nhiều đến việc phát hiện và xử lý.
Bộ Chính trị ra Chỉ thị 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng. Công tác phòng chống này là lâu dài, phức tạp, phải xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, còn giai đoạn hiện nay thì quan tâm đẩy mạnh phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Như Chỉ thị đã nhận định hiện nay số vụ việc phát hiện ít; quá trình phát hiện và xử lý chậm và thu hồi tài sản thấp.
Kết luận tại phiên họp thứ 8 được được triển khai tích cực nên đến nay gần 20 vụ được đưa vào diện chỉ đạo, trong đó có nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, tạo lòng tin nơi người dân.
Cùng với đó là việc kiểm tra tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng ở các bộ ngành, địa phương, đơn vị.
PV: Lâu nay vẫn có một thực tế là việc phát hiện tham nhũng vốn khó khăn nhưng phát hiện được rồi thì quá trình xử lý sau đó còn khó khăn hơn nhiều. Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ được 20%. Đó là những diễn biến khiến tình hình tham nhũng sẽ còn tiếp tục phức tạp và trở nên khó khăn hơn, thưa ông?
TS Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy. Bởi một điều chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận hành vi tham nhũng là vi phạm trong đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan Nhà nước nên việc phát hiện đã là khó rồi, việc xử lý còn khó hơn rất nhiều.
Vì cùng một sự việc nhưng mỗi bên đánh giá rất khác nhau, đặc biệt vấn đề kinh tế hiện nay nhìn nhận rất khó. Dễ hiểu vì sao trong quá trình thanh kiểm tra, điều tra có thể phát hiện vụ việc nhưng khi xử lý khó khăn.
Việc thu hồi tài sản thấp vì còn nhiều khó khăn về phía pháp luật. Hiện nay hầu hết việc thu hồi tiến hành sau khi có bản án. Như vậy quá trình cả năm trời thanh kiểm tra, truy tố mà không làm gì thì người ta sẽ tẩu tán tài sản.
Cùng với bổ sung cơ chế ngăn chặn tẩu tán tài sản, vừa rồi có sự đổi mới ở Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và sắp tói có quy định khác nữa liên quan đến thanh tra, kiểm toán thì sẽ nâng cao được hiệu quả thu hồi tài sản.
Người dân cần được tiếp cận bản kê khai tài sản của cán bộ
PV: Các chuyên gia nhiều lần đề xuất cần trao độc lập cho hệ thống các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong chống tham nhũng nhưng xem ra còn nhiều việc cần bàn, thưa ông?
TS Đinh Văn Minh: Độc lập là vấn đề nguyên tắc của cơ quan đấu tranh phòng chống tham nhũng hay các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung. Trên thực tế không phải chúng ta không có vì từ Hiến pháp đến các quy định pháp luật đều thể hiện các cơ quan tư pháp đảm bảo tính độc lập trong hoạt động.
Tuy nhiên bảo đảm như thế nào lại là vấn đề thực tế. Và rõ ràng hiện nay có nhiều biểu hiện, vấn đề khiến cho người dân băn khoăn về tính độc lập của các cơ quan tư pháp.
Ý kiến có cơ quan riêng về đấu tranh phòng chống tham nhũng thì lâu nay chúng ta vẫn bàn và tôi nghĩ các thiết chế như Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu hoặc các đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát thực ra đó cũng là thiết chế hình hài của một tổ chức độc lập để đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Hiện nay để tổ chức hẳn một cơ quan riêng thì vẫn tiếp tục bàn. Nhưng chúng ta nhấn mạnh làm sao đảm bảo tính độc lập của cơ quan điều tra, thanh tra, xét xử, kiểm sát trong quá trình xử lý vụ việc tham nhũng. Sự bảo đảm đó là hoạt động của Ban Chỉ đạo chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc phối hợp để đẩy nhanh vụ án cũng chính là thiết chế để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của cơ quan tư pháp.
PV: Về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, chúng ta trông đợi vào biện pháp kê khai tài sản cán bộ, công chức song lại thấy rất rõ tính chiếu lệ, hình thức. Ông có đề xuất gì để khắc phục hạn chế này?
TS Đinh Văn Minh: Đúng là một trong những vấn đề người ta nói đến nhiều nhất. Quản thật chặt tài sản của người có chức vụ quyền hạn thì thì có nghĩa giải quyết được đáng kể vấn đề.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận việc kê khai tài sản nói riêng cũng như kiểm soát tài sản nói chung của người có chức vụ quyền hạn vẫn còn hạn chế, hình thức. Số lượng kê khai rất lớn, quá trình thẩm tra xác minh khó khăn, hạn chế và việc xử lý còn ít. Thậm chí chúng ta cần xem xét lại toàn bộ hệ thống giải pháp này để hoàn thiện hơn, đặc biệt là trong sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng sắp tới.
Tôi cho rằng trước hết việc kê khai tài sản phải xem lại đối tượng. Hiện tại quá nhiều, 1 triệu bản kê khai mà như một chuyên gia nước ngoài nói nếu mỗi bản 4 tờ mà ta nối liền lại với nhau thì kéo dài từ đây tới Đà Lạt. Do đó kiểm soát, thẩm tra, xác minh rất là khó.
Cần thu hẹp đối tượng kê khai tài sản nhưng không có nghĩa kiểm soát ít đi mà đồng thời mở rộng kiểm soát toàn xã hội thì mới giải quyết được vấn đề.
Để làm được điều đó phải chuyên trách hóa để cơ quan có điều kiện chuyên thẩm tra xác minh. Người ta đọc thấy bản kê khai có điểm vô lý thì có quyền quyết định xác minh, thậm chí là xác minh một cách xác suất.
Người dân nghi ngờ tính trung thực của kê khai thì đến cơ quan đó chứ hiện tại người dân tố cáo cũng không biết cơ quan nào quản lý bản kê khai tài sản. Quản lý như vậy thì sự tiếp cận thông tin của người dân tới bản kê khai tài sản đó thuận lợi hơn rất nhiều và tất nhiên anh phải bảo đảm bí mật, an toàn cho người có tài sản.
PV: Chúng ta nói nhiều đến công khai, minh bạch và đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng nhưng lại trông đợi vào sự tự giác khi thực hiện trách nhiệm hơn là đưa ra chế tài ràng buộc?
TS Đinh Văn Minh: Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị vừa qua cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan tổ chức trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong phát hiện và xử lý tham nhũng.
Thực ra xét cho cùng vẫn phải kết hợp cả hai yếu tố: Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu về mặt pháp lý và “trách nhiệm chính trị” khi để xảy ra tham nhũng trong tổ chức, địa phương mình.
PV: Xin cảm ơn ông!.
VOV