Quyền, nghĩa vụ khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện
Tại dự thảo Nghị định quy định quỹ hưu trí tự nguyện, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên tham gia quỹ cũng như của doanh nghiệp sử dụng lao động.
- 07-08-2014Khối tư nhân chưa mặn mà với Bảo hiểm hưu trí tự nguyện
- 07-08-2014Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Kênh đầu tư có an toàn?
- 01-08-2014Bảo hiểm hưu trí tự nguyện 'cứu' quỹ bảo hiểm xã hội khỏi nguy cơ vỡ quỹ
- 03-04-2014Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: DNNN có đi tiên phong?
Theo dự thảo, đối tượng tham gia quỹ hưu trí tự nguyện gồm: 1- Doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình. Người lao động được hưởng toàn bộ quyền lợi từ khoản đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động và kết quả đầu tư liên quan theo các điều khoản quy định tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
2- Người lao động tham gia quỹ hưu trí thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động.
3- Cá nhân tham gia trực tiếp quỹ hưu trí (không thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động).
Theo dự thảo, thành viên tham gia quỹ hưu trí tự nguyện thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động có quyền quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng hoặc giảm hoặc tạm dừng đóng góp theo quy định tại hợp đồng quản lý tài khoản hưu trí cá nhân; lựa chọn, thay đổi quỹ hưu trí tự nguyện được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí; nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định.
Thành viên tham gia quỹ trực tiếp bên cạnh những quyền trên còn có quyền lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
Bên cạnh đó, thành viên tham gia quỹ hưu trí có nghĩa vụ chỉ có một tài khoản hưu trí cá nhân duy nhất tại mọi thời điểm; thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại điều lệ quỹ.
Doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện có quyền quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng, giảm hoặc tạm dừng đóng góp theo quy định tại hợp đồng quản lý tài khoản hưu trí cá nhân.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia quỹ có quyền lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo điều khoản quy định tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí; nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân của người lao động đối với phần đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động và kết quả đầu tư liên quan sau khi trừ đi chi phí trong trường hợp người lao động nghỉ việc trước thời gian quy định tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động cũng được nêu rõ tại dự thảo gồm: Chuyển khoản tiền đóng góp được khấu trừ từ tiền lương của người lao động đến tài khoản của quỹ hưu trí tại ngân hàng giám sát; gửi thông tin đóng góp đến doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và ngân hàng giám sát theo quy định; đảm bảo tách biệt khoản tiền đã khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng góp vào quỹ hưu trí nhưng chưa chuyển tiền vào tài khoản của quỹ hưu trí với tài sản khác của doanh nghiệp sử dụng lao động; thực hiện quy trình thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo các điều khoản tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
Bản chất hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện là người lao động và/hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào các tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí để quỹ thực hiện đầu tư, trên cơ sở kết quả đầu tư quỹ hưu trí chi trả cho người lao động theo số tiền đóng góp và lợi nhuận do hoạt động đầu tư mang lại.
Nói cách khác, quỹ hưu trí tự nguyện là một loại sản phẩm tài chính mà người tham gia đóng góp tiền vào quỹ sẽ được nhận chi trả từ quỹ khi đến tuổi nghỉ hưu. Số tiền hưu trí mà mỗi cá nhân được hưởng phụ thuộc vào tổng số tiền đóng góp của chính mình và hiệu quả đầu tư của quỹ.