MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tăng lương như hiện nay là chắp vá, chưa phải là cải cách tiền lương"

29-05-2015 - 15:32 PM | Xã hội

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều đợt điều chỉnh lương trong thời gian vừa qua, nhưng về mặt bằng chung, nhất là với giá cả và chi phí hiện nay thì đời sống của người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề lương hiện nay, cũng như những bất cập trong việc đảm bảo thu nhập cho người lao động.

- Thưa bà, nguồn ngân sách năm 2014 ước tính vượt thu 80.000 tỷ đồng, vậy tại sao không tính đến vấn đề tăng lương cho một bộ phận người lao động?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Cái này thuộc về Chính phủ. Chính phủ thấy nhu cầu bức xúc nhất của xã hội là gì thì Chính phủ trình cho Quốc hội để bổ sung, cân nhắc. Vượt thu phải để đầu tư vào lĩnh vực mà xã hội đang cần và bức xúc nhất, có liên quan tới nhiều người. Nếu bổ sung lương như hiện nay là chưa có khả năng.

- Có thể thấy, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện còn thấp, trong khi mặt bằng giá cả thì không ngừng tăng lên, vậy ý kiến của bà trong các phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Đúng như vậy, theo lộ trình đến 2020 mới có thể cải cách tiền lương được. Việc chúng ta sửa đổi chế độ lương nhưng vẫn theo nhu cầu trước mắt, cứ lên nhỏ giọt như thế, chưa đảm bảo sự yên tâm của người lao động.

Vừa rồi ta có nâng lương cho những người lương hưu và lương thấp dưới 2,34 được thêm 8% từ 1/1/2015. Tôi nghĩ không phải tất cả những người nhận lương hưu đều thấp, mà chỉ là những nhận lương hưu trước năm 1995 mà thôi.

Quốc hội đưa ra biểu quyết như vậy chứ tôi chưa thật sự yên tâm. Lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động nên họ phải chạy thêm, lo thêm, dẫn đến nảy sinh một số vấn đề tiêu cực.

- Vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu để có thể cải cách tiền lương, nâng lương vào năm tới. Theo bà nên điều chỉnh tăng bao nhiêu?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Mức tăng để đáp ứng mức sống lương tối thiểu phải tính theo chênh lệch giá của ngoài xã hội, thị trường. Nó còn phụ thuộc vào ngân sách có hay không. Để nói tăng bao nhiêu là rất khó tính vì nhu cầu xã hội hiện nay biến động, giá cả lên xuống, chênh lệch như thế.

Ví dụ mình đề nghị tăng 10% hay 20% thì đó là trước mắt thôi, tôi nghĩ chưa thể đáp ứng được, phải cải cách đồng bộ tiền lương, khảo sát lại nhu cầu hiện nay, mức lương tối thiểu của người mới tham gia thị trường lao động, mới ra trường. Người ta học đại học 4 hay 5 năm nhưng mức lương khởi điểm thấp.

Tôi nghĩ chưa tính toán đầy đủ, khảo sát, đánh giá cho nó kỹ nhu cầu đóng góp vào xã hội của người đó để tính toán lương tương xứng, phù hợp. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp đại học 4 hay 5 năm ra trường lĩnh lương khởi điểm cũng bằng người học 6 hay 7 năm. Như thế không hợp lý, không công bằng.

Hình thức tăng hiện nay là chắp vá, chưa phải là cải cách tiền lương. Phải có sự khảo sát, đánh giá giá tăng bao nhiêu phần trăm để tính cân đối.

- Có thống kê đưa ra mức lương hiện tại của Bộ trưởng cũng chỉ hơn 14 triệu đồng, vậy mức đó đã phù hợp chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Tôi thấy cũng không biết nói như thế nào. Mức lương đó tính trên cơ sở, tiêu chí và mức lương của cán bộ công chức nói chung. Chức danh đó thì lương như thế. Còn phù hợp hay chưa, tôi nghĩ chưa phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý tổng thu nhập khác với lương.

- Mức đóng thuế thu nhập cá nhân của các lãnh đạo, quan xã chưa phù hợp? Mức thu nhập khác với mức lương của họ rất nhiều?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Đóng thuế thu nhập cá nhân chỉ tính trên mức lương, chưa tính được trên tổng thu nhập. Lương thì tính được còn tổng thu nhập thì không ai biết được. Có thể người ta có lĩnh vực khác hoặc sự viện trợ nào đó. Kê khai tài sản thì kê khai đó nhưng rất khó giám sát kê khai. Hiện nay, chỉ những trường hợp nghi ngờ mới phải giám sát.

Xin cảm ơn bà.

PV

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên