Tăng lương tối thiểu: Chưa bên nào nhượng bộ
Mức sống của người lao động hiện nay chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động, mức sống chung của toàn xã hội. Tăng lương tối thiểu ra sao?
- 30-08-2015Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Đồng thuận hơn là áp đặt
- 27-08-2015Lương tối thiểu “tăng quá thì việc làm giảm”
- 26-08-20154 lý do để tăng lương tối thiểu cho người lao động
- 25-08-2015Tăng lương tối thiểu 2016: Kiên quyết bảo vệ mức tăng 17%
Ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên cuối cùng về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, sau khi các bên chưa thống nhất phương án vào phiên họp trước đó. Tuy nhiên đến thời điểm này, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm về phương án tăng lương tối thiểu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - cho biết trong phiên họp vào ngày 3-9, VCCI sẽ vẫn giữ nguyên đề xuất tăng không quá 10%.
Ông Phòng cho biết: Theo quan điểm của VCCI, lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 7% là mức hợp lý, phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Trong quá trình thương thảo, sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống, công việc của người lao động (NLĐ), chúng tôi đã thảo luận với các DN, hiệp hội DN để cố gắng đưa ra mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên 10%. Và đây là mức tối đa giới DN có thể chịu đựng được.
Tỉ lệ tăng trên dưới 10% mà chúng tôi đề xuất đã được tính toán rất kỹ lưỡng về cả phía DN lẫn quyền lợi của NLĐ. Chúng tôi cũng thấy tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết nhưng cần lộ trình cụ thể căn cứ trên sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh quốc gia, sự phát triển của DN và cần tính đến những phản ứng tiêu cực, hệ lụy xấu có thể xảy ra khi tăng lương trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, bị sức ép cạnh tranh...
|
Ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch VCCI - Ảnh: THANH HÀ |
* Nhưng từ nhiều kết quả khảo sát thực tế cho thấy đời sống của phần lớn NLĐ hưởng lương theo mức lương tối thiểu vùng đang khó khăn, eo hẹp. Nếu tăng thêm 10%, lương tối thiểu vùng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức sống tối thiểu của NLĐ?
- Thực tế cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm nay tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây.
Trong khi đó DN đang gặp khó khăn: số DN phải ngừng hoạt động và giải thể từ đầu năm đến nay tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu các DN vừa và nhỏ. Số lượng việc làm mới giảm, số người thiếu việc làm, thất nghiệp đều tăng.
Hiện trên 70% DN đang sản xuất kinh doanh không có lãi. Chỉ có khoảng 30% DN đang cầm cự được...
Việc xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ trên cơ sở tính toán các yếu tố: đủ bù trượt giá năm 2015 dự kiến 4-5%, tăng theo mức năng suất lao động khoảng 3%/năm để cải thiện tiền lương của NLĐ, tăng thêm khoảng 3%/năm là mức tăng hợp lý để thực hiện lộ trình lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ (có tính đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp).
Đến thời điểm này, các tính toán kỹ thuật của chúng tôi vẫn khẳng định đây là phương án hợp lý nhất. Vì vậy đến thời điểm này, chúng tôi không thể điều chỉnh tăng cao hơn nữa.
* Ông có thể lý giải vì sao nếu tăng 16,8% như đề xuất của phía Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ vượt quá khả năng chi trả của DN?
- Với mức tăng 10% như chúng tôi đề xuất thì trên thực tế, NLĐ còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, làm thêm giờ, trợ cấp ốm đau, thai sản...
Từ ngày 1-1-2016, người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho NLĐ tăng thêm 35-40% so với năm 2015 vì từ bảo hiểm xã hội và phí công đoàn sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của NLĐ, bao gồm lương và các khoản phụ cấp.
Trong khi đó, DN phải đóng thêm các khoản phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động... Cộng tất cả các khoản, DN sẽ phải trả lương và chi phí cho NLĐ tăng thêm 17-18% so với hiện nay.
Đây là một cú sốc lớn đối với chi phí của hầu hết DN. Nếu không đưa ra mức điều chỉnh hợp lý, yêu cầu tăng lương tối thiểu cao hơn 10%, khả năng số DN ngừng hoạt động và phá sản chắc chắn gia tăng.
Trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại VN thời gian qua khá cao. Tổng mức tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2005 - 2015 là 6,14 lần, tương đương 20%/năm.
Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm... Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn mười năm qua ở mức 10%/năm thì khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.
Các DN không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN.
Mặt khác, các số liệu về việc làm gần đây cho thấy việc tạo thêm việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho NLĐ ở nông thôn, đã trở thành vấn đề rất cấp bách, cần được quan tâm hàng đầu. Nhưng với việc tăng lương tối thiểu ở mức cao và quá nhanh sẽ không có lợi cho mục tiêu này: Không khuyến khích được các DN đầu tư mới, tạo việc làm mới. Việc tăng lương không hợp lý cũng sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các DN hiện đã khó khăn, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, giảm bớt nhân công, gia tăng tình trạng thất nghiệp của NLĐ trong độ tuổi.
Đó là chưa kể sắp tới khi chúng ta gia nhập TPP, nếu các khu vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thủy sản... vốn được hưởng lợi từ TPP nhưng nếu không thể tạo ra thêm việc làm mới do chi phí nhân công cao, tăng trưởng đầu tư thấp thì chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội, thua thiệt trong cuộc chơi lớn.
* Nhưng chúng ta cũng không thể gạt sang một bên quyền lợi của NLĐ, một mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế, phát triển DN cũng là để cải thiện đời sống của NLĐ...
- Tăng dần mức lương tối thiểu, bảo đảm để đời sống của NLĐ từng bước được cải thiện không chỉ là mong muốn của NLĐ và tổ chức công đoàn, mà còn là của cả phía chủ DN.
DN nào cũng muốn NLĐ có mức sống tốt hơn, yên tâm gắn bó với công việc. Nhưng khả năng chi trả, sức chịu đựng của DN đến thời điểm này chưa đủ đáp ứng mức tăng lương đến 17%. Trước khi đưa ra phương án tăng lương, chúng tôi đã khảo sát thực tế, làm việc với DN và các hiệp hội DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài để thu thập ý kiến.
Phần lớn hiệp hội DN nước ngoài đề nghị mức tăng dưới 7%. Các hiệp hội DN trong nước sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày... cũng chỉ đề nghị mức tăng 5-7%. Chúng tôi đã cùng thảo luận và đưa ra mức 10%. Đây vẫn là mức tăng khá cao nhưng DN còn có thể cố chịu đựng được, hài hòa với quyền lợi của NLĐ.
Chúng tôi cho rằng cần xác định mức tăng lương tối thiểu vùng ở ngưỡng mà DN chịu đựng được, NLĐ nên chia sẻ cùng DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng chính là giữ sự tồn tại của DN và việc làm ổn định cho bản thân.