MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu, người lao động sẽ chịu thiệt?

16-10-2015 - 15:15 PM | Xã hội

Nhiều doanh nghiệp thuộc Vasep cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ không khiến lương thực lĩnh của người lao động được tăng lên mà còn bị giảm đi.

Lương tăng, thu nhập giảm

Tại cuộc họp bàn về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu giữa lãnh đạo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), Hiệp hội da giầy - túi xách Việt Nam ngày 15/10, một lần nữa đại diện cho các ngành sử dụng lao động cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu quá cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. trong khi đó, có thể thu nhập người lao động không tăng thêm.

Theo ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Vasep, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 50% đến 100%. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng là không có ý nghĩa, không ảnh hưởng tới lương thực lĩnh hiện nay của người lao động.

“Ngược lại, điều này chỉ gây bất ổn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động. Giá cả thị trường cũng nhân câu chuyện tăng lương để “ăn theo”, giá nhà trọ và giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng theo, khiến cho đời sống người lao động càng khó khăn thêm”, ông Quang nói.

Trong khi đó, bà Thuý Hạnh, một giám đốc nhân sự một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản khác đóng trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long lại khẳng định, tăng lương tối thiểu, thực tế thu nhập người lao động sẽ giảm đi.

Theo bà Hạnh, khi lương tối thiểu tăng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng tăng thêm các khoản chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… Người lao động cũng sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại phí nói trên.

Để chứng minh cho việc thu nhập người lao động giảm khi lương tối thiểu tăng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng đưa ra một phép tính cụ thể: Một doanh nghiệp chi trả cho một công nhân lao động phổ thông với mức thu nhập 6.000.000 đồng/tháng ( doanh nghiệp này nằm trong khu vực mức lương tối thiểu vùng II là 2.750.000 đồng). Số tiền lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn.

Có nghĩa là, khi người lao động nhận lương sẽ phải trừ đi 693 nghìn đồng các chi phí nói trên của doanh nghiệp đóng và 303 nghìn đồng phần phí người lao động đóng. Như vậy, người lao động thực lãnh trong một tháng là: 6.000.000 - 693.000 - 303.188 = 5.003.812 đồng.

Năm 2016, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng 12,4% thì lương tối thiểu vùng II sẽ là: 3.091.000 đồng và mức các loại phí phải đóng tăng lên 1.119.715 đồng. Lúc này, lương thực lĩnh chỉ còn: 6.000.000 - 1.119.715 = 4.880.285 đồng.

Như vậy, nếu tăng lương tối thiểu lên 12,4% trong năm 2016 thì thu nhập người lao động sẽ giảm 123.527 đồng/tháng.

Doanh nghiệp khó đủ bề

Doanh nghiệp trong các ngành thâm dụng lao động nêu quan điểm rằng, trong khi người lao động ở không ít doanh nghiệp không được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp lại phải gánh thêm hàng loạt các chi phí rất lớn từ các phí bảo hiểm và phí công đoàn, mất đi một khoản tiền không nhỏ để có thể tái đầu tư hay mở rộng sản xuất.

“Cụ thể, chỉ riêng phí công đoàn với một doanh nghiệp ở vùng II, có tổng số lao động là 15.000 người, phí công đoàn phải đóng hàng năm tính theo lương tối thiểu là: 2.750.000 x 1.05 x 15.000 lao động x 2% x 12 tháng = 10.395.000.000 đồng/năm. Nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4% sẽ là: 11.683.980.000 đồng/năm. Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ”, đại diện Vasep dẫn dụ.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Thọ Quang chia sẻ thêm, hiện nay giá tôm Ấn Độ, Indonesia rẻ hơn ở Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp phải tăng lương, tăng các khoản chi phí khác, thì tất cả các chi phí đó lại đổ đầu sản phẩm, chắc chắn khó cạnh tranh được với các nước. “Khi sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không bán được, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sẽ phải cắt giảm lao động, thậm chí là phá sản, thì thất nghiệp lại tăng cao…

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng, những con số mà doanh nghiệp đưa ra báo cáo thường không phải là con số thực tế, nên rất khó để có thể tính toán được một cách hợp lý.

Tuy nhiên, theo bà Minh, mức lương tối thiểu là mức sàn, nếu hầu hết doanh nghiệp đã trả cao hơn mức này thì thực tế mức điều chỉnh nói trên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo Vũ Quỳnh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên