Tăng lương tối thiểu nhỏ giọt: Công nhân hụt hơi!
Mức tăng lương tối thiểu 16% hay 10% chẳng có nghĩa lý gì nếu đời sống người lao động không được bảo đảm. Đặc biệt, lương chưa tăng mà giá đã tăng khiến người lao động "hụt hơi"
- 05-08-2015Thương lượng tăng lương tối thiểu 2016 thất bại
- 05-08-2015Tăng lương tối thiểu 2016: Tranh luận 3 tiếng vẫn chưa thống nhất
- 02-08-2015Lương tối thiểu bao giờ mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu?
- 18-07-2015Tăng lương tối thiểu 2016: Người lao động thờ ơ, chủ doanh nghiệp lo “sốt vó”!
Trong ngày 5-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để bàn về việc tăng lương tối thiểu (LTT) vùng 2016 nhưng các bên không tìm được tiếng nói chung do mức đề xuất “chênh” nhau quá lớn. Chúng tôi tiếp tục đăng tải ý kiến của công nhân, chủ doanh nghiệp và cán bộ Công đoàn cơ sở xung quanh phương án điều chỉnh LTT vùng.
* Bà Trần Thị Châu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH SB Gear Vina: Công nhân đang sống rất chật vật
Cuộc sống của CN, đặc biệt là CN nhập cư còn khó khăn trăm bề nên tôi nghĩ mức tăng 16% (khoảng 500.000 đồng/tháng) mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nguyện vọng của người lao động. 500.000 đồng/tháng thấy có vẻ lớn, nhưng so với giá cả đắt đỏ hiện nay thì không thấm vào đâu. Chưa kể cứ mỗi lần nhà nước rục rịch tăng lương là tiền nhà, tiền chợ… lại tăng lên rất nhiều, CN luôn hụt hơi chạy theo việc tăng giá.
Tại công ty chúng tôi, ngoài mức lương tối thiểu được trả 3.250.000 đồng/tháng, cao hơn mức nhà nước quy định, CN còn được phụ cấp thêm 550.000 đồng hàng tháng. Thế nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. Ở các công ty khác, nếu chỉ áp dụng mức lương nhà nước quy định mà không có phụ cấp thêm thì không biết CN sẽ sống thế nào?
* Chị Lý Thị Tố Lan, (CN Công ty May mặc W.T.J (quận 12, TPHCM): Mong nhà nước giữ giá cả hàng hóa ổn định
Năm nay nghe tin Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu 16%, tuy không cao hơn năm trước là bao nhưng với tình hình các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, chúng tôi thấy mức tăng như vậy là phù hợp.
Vợ chồng tôi đều là lao động nhập cư, phải ở trọ. Tổng thu nhập 1 tháng của 2 vợ chồng nếu tăng ca đều đặn thì được khoảng 10 triệu đồng tháng. Với mức thu nhập này cả gia đình tôi phải chi tiêu tằn tiện lắm mới tránh được cảnh đi vay nặng lãi như các đồng nghiệp. Mỗi tháng tiền nhà là 1,5 triệu đồng; tiền gửi 2 đứa con 3 và 5 tuổi là 3 triệu đồng; tiền sữa, tã cho chúng là 1,5 triệu đồng; cộng thêm các khoản tiền chợ, đám, tiệc… là hết veo 10 triệu đồng.
Cứ mỗi lần nhà nước tăng lương là tiền nhà trọ; tiền điện, tiền nước, giá cả hàng hóa đã tăng trước rồi; thậm chí khoản tăng thêm không đủ bù cho việc tăng giá. Tôi chỉ mong khi tăng lương, nhà nước hãy giữ giá cả hàng hóa ổn định thì may ra đời sống của người làm công ăn lương như chúng tôi mới phần nào được cải thiện và có tích lũy được chút ít phòng khi ốm đau, hữu sự.
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM)
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM): Người lao động phải có tích lũy
Theo dõi thông tin về cuộc họp về điều chỉnh LTT vùng do Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức ngày 5-8, bản thân tôi rất băn khoăn về đề xuất tăng 10% LTT của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ở góc độ của một cán bộ CĐ, phương án này của VCCI khó lòng đảm bảo nhu cầu sống của đại đa số CN. Thực tế, mức lương thực nhận của người lao động (NLĐ) hiện nay tại các doanh nghiệp (DN) cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng (làm căn cứ để đóng bảo hiểm cho người lao động) từ 10 – 14%, điều này cho thấy DN đủ khả năng đáp ứng mức nâng 16% theo như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ở các DN, NLĐ còn có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp (nhà ở, xăng xe, đời sống, chuyên cần…) và tiền ăn ca. Các khoản này chiếm từ 1/4 đến 1/3 thu nhập của NLĐ. Rõ ràng, nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Từ thực tế này, tôi ủng hộ mức đề xuất tăng lương tối thiểu 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Lê Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình (quận 11, TP HCM): Ổn định cuộc sống người lao động
Ở DN chúng tôi, thu nhập bình quân của 200 CN đạt gần 4,5 triệu đồng/tháng, nếu tính thêm các khoản phụ cấp thâm niên, tay nghề và nhà trọ thì tròm trèm 5 triệu đồng/người/tháng. Kết quả khảo sát đời đời sống CN do ban giám đốc phối hợp với Công đoàn tổ chức cho thấy với mức thu nhập này, CN khó có thể ổn định cuộc sống.
Tôi đơn cử ví dụ, nếu hai vợ chồng cùng làm chung một công ty có tổng thu nhập 10 triệu đồng, trừ các khoản tiền thuê nhà (2,5 triệu đồng/tháng), tiền học phí cho con, điện nước, chưa kể chi phí phát sinh khác thì …đã ngốn hết ¾ thu nhập hàng tháng. Với khoản tiền ít ỏi còn lại, nếu không tằn tiện thì cả hai vợ chồng khó xoay sở. Rõ ràng, CN đang phải sống hết sức chật vật với đồng lương hiện có.
Trách nhiệm của DN là tuân thủ pháp luật lao động về tiền lương. Bản thân cũng đã từng đi làm thuê nên tối rất hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền mà CN ngoại tỉnh phải đối diện và luôn sẳn lòng chia sẻ khó khăn với họ. Tôi hy vọng Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có phương án nâng LTT phù hợp nhất để giúp CN chí ít ổn định được cuộc sống và lo cho tương lai.
Người lao động