Tăng lương tối thiểu vùng mới: “Doanh nghiệp khó mấy cũng nên tăng!”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, viện trưởng viện năng suất Việt Nam cho rằng doanh nghiệp dù “khó mấy cũng nên tăng”, đừng nghĩ đơn thuần rằng việc tăng lương sẽ làm giảm yếu tố cạnh tranh.
- 02-01-2015Tăng lương tối thiểu vùng mới: Khó cũng phải tăng lương
- 10-11-2014Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2015
- 09-11-2012Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng I lên 3 triệu đồng/tháng
Nhiều doanh nghiệp tăng lương tối thiểu
Theo Nghị định 103 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng khoảng 15% so với mức cũ (400.000 đồng/tháng).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng giám đốc Công ty phát triển khu công nghiệp Long Bình cho hay, nhiều doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp đã áp dụng tăng lương tối thiểu theo đúng quy định.
“Khu công nghiệp chúng tôi chủ yếu là doanh nghiệp Nhật và Hàn Quốc. Họ không kêu ca về mức tăng cao hay thấp, bởi dù tăng thì mức lương này vẫn thấp hơn so với mặt bằng nhiều nước. Tuy nhiên họ phàn nàn về thời điểm tăng lương”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, đầu năm dương lịch rơi vào cuối năm âm lịch, thời điểm này doanh nghiệp đang lo tập trung hoàn thành mục tiêu, trả thưởng Tết cho người lao động thì lại phải dồn dập điều chỉnh thang bảng lương.
“Nếu doanh nghiệp thu xếp điều chỉnh được theo đúng thời gian, lộ trình thì không sao. Nếu chưa kịp điều chỉnh thì rất dễ xảy ra đình công, hoặc không cũng sẽ gây tâm lý không tốt cho người lao động. Tôi cho rằng thời điểm tăng thích hợp nhất la từ đầu tháng Bảy, như vậy thuận lợi hơn”, ông Bình cho biết.
Trong khi đó, nói với BizLIVE, một lãnh đạo doanh nghiệp khác lại cho rằng, tăng 400.000 đồng đối với một người lao động là “chuyện nhỏ” nhưng với doanh nghiệp hàng nghìn công nhân thì cần có lộ trình tăng lương “dài hơi” hơn nữa để họ cân đối bài toán kinh doanh.
Tăng lương để tăng năng suất lao động
Bên cạnh các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định về việc tăng lương cho người lao động. Không ít doanh nghiệp vẫn còn “chần chừ” chưa tăng vì lý do như sản xuất kinh doanh khó khăn.
Một số chủ sử dụng lao động khác lại cho rằng tăng lương dẫn đến giá thành sản xuất cũng sẽ tăng, giảm sức cạnh tranh. Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm theo và tác động trở lại đối với người lao động.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam thì tăng lương là yếu tố quan trọng nâng cao năng suất lao động. Mức lương xứng đáng sẽ khiến người lao động sẽ phấn khởi và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp đó.
“Chúng ta đều đi làm, cuộc sống còn nhiều thứ phải trông chờ vào đồng lương. Tôi nghe nhiều ý kiến của mọi người phản hồi về việc thu nhập không đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Lương bổng có cải thiện thì người lao động sẽ làm việc có hiệu quả, chất lượng hơn”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, thực tế hiện nay nhiều người đi làm, lương chi tiêu hết vẫn không đủ nên họ phải tìm đủ cách kiếm sống, nên công việc chính lại không nỗ lực hết mình. Do vậy, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp dù “khó cũng nên tăng”, đừng nghĩ đơn thuần rằng việc tăng lương sẽ làm giảm yếu tố cạnh tranh...
>>>Giám sát việc tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nguyễn Mạnh