Tăng lương tối thiểu vùng mới: Khó cũng phải tăng lương
Kể từ ngày 1.1.2015, theo Nghị định 103/2014 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng cho người lao động sẽ tăng tối đa 14,8% so với năm 2014.
- 10-11-2014Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2015
- 30-10-2014Tăng lương phải tinh giản biên chế: Chỗ nào cũng khó!
- 29-10-2014Tăng lương 2015: Không thể, vì bộ máy quá cồng kềnh
- 27-10-2014Không có nguồn cho tăng lương: Căn nguyên từ bệnh “thích hoành tráng”
- 24-10-2014Tăng lương năm 2015: Chọn phương án nào?
- 23-10-2014Tăng lương - mục tiêu chi cần ưu tiên hàng đầu
Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2015, mức lương trả cho NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề.
Theo quyết định của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1.1.2015, các DN phải trả lương cho NLĐ với mức tăng tối đa là 14,8% so với năm 2014 theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng. Quy định là thế, nhưng không phải NLĐ nào cũng lập tức được hưởng mức lương mới này mà phụ thuộc vào tình hình SX-KD, thậm chí cả ý thức của mỗi DN.
Thời điểm nhạy cảm
Theo TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện CN-CĐ - mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% mức sống tối thiểu của CNLĐ và gia đình của họ. Vậy nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm áp dụng mức lương mới là thời điểm nhạy cảm về quan hệ lao động giữa NLĐ và chủ DN, bởi không phải DN nào cũng ngay lập tức thực hiện những quy định của Chính phủ, bởi nhiều lý do, trong đó, lý do chủ yếu là tình hình SX-KD của DN đang gặp khó khăn.
Việc 3.000 CN ở Cty Hyundai Vinashin (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lãn công ngày 26.12 vừa qua xuất phát từ thông báo của Cty: Bắt đầu từ ngày 1.1.2015, lương của CNLĐ sẽ chỉ tăng 5% do DN đang gặp khó khăn trong SX-KD - thay vì 14,8% theo quy định của Chính phủ. Mặc dù, trước đó, năm 2013, CNLĐ đã chia sẻ khó khăn cùng với DN bằng cách đồng ý không đòi tăng lương theo quy định.
Ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang - cho biết: “Mấy năm nay, phần lớn các DN thuộc các KCN tỉnh đều thực hiện nghiêm túc quy định áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới cho NLĐ. Tuy nhiên, một vài DN vẫn “treo” lương mới và nợ NLĐ từ 2 - 3 tháng, nhưng sau đó họ vẫn trả bù. Vấn đề là ở chỗ 2 - 3 tháng nợ đọng ấy lại rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán - NLĐ ai cũng cần tiền để mua sắm. Vì thế, rất dễ xảy ra những mâu thuẫn giữa CNLĐ và chủ DN…”.
Tình trạng trên không phải chỉ diễn ra ở các KCN tỉnh Bắc Giang, mà ở hầu hết các DN thuộc các KCN khác như Hòa Bình, Ninh Bình… Ông Đinh Quốc Thể - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hòa Bình - cho rằng, phần lớn những DN không áp dụng mức lương mới ngay từ đầu năm - đều là các DN gặp khó khăn trong SX-KD, bình thường họ cũng hay phải nợ, chậm trả lương cho CNLĐ… Ở một số DN, NLĐ có sự thông cảm, chia sẻ khó khăn với DN thì không sao, nhưng nếu ở DN nào NLĐ không chia sẻ thì rất dễ dẫn đến chuyện lãn công, đình công…
Cần sự giám sát của CĐ
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự chủ động giám sát, tham gia giám sát của CĐ thì nơi ấy việc áp dụng lương tối thiểu được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí còn có lợi hơn cho NLĐ. Một số nơi, DN còn chấp hành nghiêm túc việc thực hiện NĐ/103 đối với những NLĐ đã qua đào tạo nghề, tức là những đối tượng này được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng mới.
Đặc biệt, có nơi, như Cty quốc tế Việt Pan Pacific (Bắc Giang), năm 2014, CĐCS đã thỏa thuận được những điều có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho ĐVCĐ và đưa vào TƯLĐTT như: Thay vì tăng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước, Cty tăng theo phần trăm, như thế những người có bậc lương thấp sẽ đỡ bị thiệt thòi. Cụ thể, ở Bắc Giang, áp dụng lương tối thiểu vùng III sẽ tăng từ 2.100.000đ lên thành 2.400.000đ (tăng 300.000đ - theo quy định của Nhà nước), nhưng nếu áp dụng tăng theo phần trăm thì NLĐ sẽ được tăng thêm gần 360.000đ.
Cũng xuất phát từ thực tế như vậy, nên hầu hết trong kế hoạch hoạt động đầu năm của mình, các cấp CĐ ở mọi nơi đều chú trọng đến việc theo dõi, giám sát việc áp dụng lương tối thiểu vùng của DN đối với CNLĐ. Và rõ ràng, chỉ có như vậy, CĐ mới làm tròn vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Theo Trương Hoàng