MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tiền bảo hiểm xã hội giữa khó khăn, người lao động được gì?

29-12-2015 - 10:57 AM | Xã hội

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi với nhiều thay đổi liên quan đến quyền lợi của người tham gia, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, chế độ lương hưu, tuổi nghỉ hưu…

Bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ trực tiếp giải đáp những thắc mắc của người lao động về những thay đổi trong chế độ bảo hiểm xã hội từ 1-1-2016 theo Luật mới.

Được xem là chính sách xương sống của hệ thống an sinh xã hội và mang tính chất bắt buộc đối với người lao động, BHXH góp phần bảo đảm cuộc sống của người lao động trong các trường hợp rủi ro bệnh tật, thất nghiệp, sinh đẻ, nghỉ hưu.

Những quy định mới của Luật BHXH sửa đổi có ảnh hưởng thế nào đến người lao động, các các tổ chức đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH? Báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách BHXH từ 1-1-2016 thay đổi ra sao?”.

Luật BHXH sửa đổi có gì mới? Những thay đổi gì có lợi cho người lao động? Điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định mới thế nào? Mức đóng BHXH có gì thay đổi? Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được mở rộng ra sao, mức đóng bao nhiêu? Quy định về tuổi nghỉ hưu có gì mới?

Khách mời giao lưu gồm ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Thanh, trưởng phòng thu - BHXH TP.HCM và bà Đồng Thị Hằng, phó trưởng phòng chế độ - BHXH TP.HCM.

Người tham gia bảo hiểm có lợi gì khi tăng mức đóng bảo hiểm trong khi đời sống còn vô vàn khó khăn?

- Ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TPHCM: Tuy mức đóng có tăng nhưng phần tăng của người lao động nếu là 1 thì doanh nghiệp sẽ là 2, quan trọng là cuộc sống của người lao động sẽ được bảo đảm hơn khi thai sản hoặc chẳng may ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp và hết tuổi lao động.

Ví dụ như: thời gian nghỉ thai sản với trợ cấp BHXH ở mức 5 triệu sẽ bảo đảm cuộc sống hơn là nhận mức trợ cấp BHXH chỉ trên mức lương tối thiểu vùng một chút như hiện nay.

Mức đóng BHXH với người lao động ở nước ngoài thấp nhất là bao nhiêu phần trăm?

- Ông Nguyễn Đăng Tiến: Người lao động nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH từ năm 2018, mức đóng sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.

Những người đi xuất khẩu lao động trước ngày 1-1-2016 có nằm trong nhóm phải đóng BHXH không?

- Ông Nguyễn Quốc Thanh - Trưởng phòng thu, BHXH TP.HCM: Người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng lao động trước ngày 1-1-2016 vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Từ ngày 1-1-2016 BHXH sẽ thay đổi mức đóng. Trong bảng lương có các khoản phụ cấp như phụ cấp trách nhiệm, chuyên cần (không cố định, làm đủ ngày công mới được). Nhưng trên Hợp đồng không ghi những khoản phụ cấp này. Xin hỏi khi đóng bảo hiểm thì ghi như thế nào cho đúng?

- Ông Nguyễn Quốc Thanh: Từ 1-1-2016 mức đóng BHXH không thay đổi. Mức đóng là 26% (trong đó người lao động 8%, người sử dụng lao động bằng 18%) căn cứ mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.

Từ 1-1-2018 căn cứ đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương và các khoản thu nhập khác được ghi trong hợp đồng lao động. Các loại phụ cấp biến động thường xuyên không làm căn cứ tính đóng BHXH.

Thưa ông, tại sao lại áp dụng luật từ năm 2016-2018 như vậy? Khi áp dụng chính sách mới có nghĩ đến doanh nghiệp không? Tại sao không tăng vào lương cơ bản, doanh nghiệp đỡ phải luồn lách, người làm công tác bảo hiểm cũng đỡ khó khăn khi mức lương thay đổi mỗi tháng.?

- Ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TP.HCM: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được quy định và có lộ trình cụ thể nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể thực hiện được.

Trong thực tế chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp tìm cách né tránh để giảm nghĩa vụ phải nộp BHXH của mình, các cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn sẽ tăng cường thanh tra, giám sát để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật BHXH.

 BHXH tăng mức đóng, tăng tỉ lệ đóng có nghĩ đến tình trạng thất nghiệp và doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa hoặc sa thải nhân sự vì không chịu nổi chi phí gia tăng?

- Ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TP.HCM: Những nhà làm luật đã nghiên cứu và đánh giá tác động của vấn đề này nên chúng tôi nghĩ chuyện đóng cửa, sa thải nhân sự sẽ không xảy ra như bạn nghĩ.

Thưa ông, sau 30 năm, lương hưu còn giá trị thế nào, có đủ ăn ngày 3 bữa cơm trắng không với tình hình lạm phát của Việt Nam? BHXH TP.HCM có kế hoạch quản lý quỹ thế nào để tránh thất thoát ngàn tỉ như từng bị mà không ai chịu trách nhiệm, tránh vỡ quỹ...?

-  Ông Nguyễn Đăng Tiến: Tiền lương đóng BHXH của người lao động được bảo đảm theo chỉ số giá sinh họat từng thời kỳ nên lương hưu chắc chắn sẽ được bảo đảm giá trị dù có lạm phát.

Luật BHXH đã có quy định hết sức cụ thể trong việc quản lý quỹ BHXH, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm hết sức quan tâm đến việc ngăn chặn việc thất thoát cũng như tăng trưởng quỹ BHXH trong thời gian tới.

Thưa ông, khi sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng chưa có việc làm. Nếu được đóng BHXH tự nguyện thì sinh viên đóng như thế nào và đóng ở đâu? Chế độ được hưởng về già như thế nào?

- Ông Nguyễn Đăng Tiến: Theo quy định hiện nay mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập mà mình chọn, mức thấp nhất bằng thu nhập chuẩn hộ nghèo nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội ngân sách nhà nước sẽ có hỗ trợ phần đóng BHXH của những người tham gia BHXH tự nguyện. Vấn đề này sẽ được hướng dẫn bởi Nghị định của Chính phủ.

 

PV

Theo Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên