MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra Chính phủ: Một tháng tiếp nhận hơn 300 tin tố tham nhũng

07-01-2016 - 14:35 PM | Xã hội

Sau gần 1 tháng công bố 3 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiếp nhận 329 cuộc điện thoại, tin nhắn phản ánh những biểu hiện, hành vi tiêu cực xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở 12 bộ, ngành và 26 địa phương.

Thông tin trên được ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ, diễn ra sáng nay (7/1/2016).

Ông Phạm Trọng Đạt cho hay, những thông tin phản ánh chủ yếu trong lĩnh vực đất đai và khoáng sản, thuế, ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ; các lực lượng của cơ quan công quyền trực tiếp xử lý vụ việc liên quan đến người dân liên quan đến hành vi nhận mãi lộ của các lực lượng cảnh sát ngoài đường, kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế vụ, tiếp công dân, thanh tra giao thông; lĩnh vực xuất nhập khẩu, công ăn việc làm, xây dựng công trình các dự án, chính sách xóa đói giảm nghèo.

Cũng theo ông Đạt, có tới 50% nguồn tin phản ánh sai phạm thuộc chức năng của các Bộ, ngành, địa phương nên TTCP đã hướng dẫn người dân liên hệ tới những “địa chỉ” có thẩm quyển giải quyết. Khoảng 30% phản ánh về những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, không thực hiện thực hành tiết kiệm của các ngành ở địa phương thì Cục chống tham nhũng ghi nhận và đề nghị cung cấp thêm tài liệu để chuyển tới các địa phương xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Còn hơn 40 nguồn tin (chiếm khoảng 15 %) phản ánh thuộc chức năng của Cục chống tham nhũng - TTCP nên chúng tôi sẽ trực tiếp xử lý. Chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu, thu thập báo cáo Tổng TTCP để đề xuất thanh tra hoặc chuyển cơ quan khác phối hợp xử lý. Trong số 40 nguồn tin này, có 6 nguồn tin chúng tôi đang xử lý…” – ông Đạt thông tin.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Có 30% nguồn tin phản ánh tiêu cực của các ngành ở địa phương mà TTCP lại chuyển cho địa phương xử lý liệu có đảm bảo tính khách quan”? – ông Phạm Trọng Đạt khẳng định, khi chuyển những thông tin cho địa phương, chúng tôi yêu cầu phải đảm bảo bí mật, và phải báo cáo kết quả xử lý về TTCP. Chúng tôi sẽ giám sát việc này. “Sau này, TTCP kiểm tra, phát hiện địa phương nào bao che thì sẽ đề nghị xử lý nghiêm minh trước pháp luật” – ông Đạt nhấn mạnh.

Theo Dương Lê

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên