Thu hồi tài sản tham nhũng, khó cũng phải làm
Huy động cơ quan thuế vào cuộc, khắc phục "văn hóa sử dụng tiền mặt"... là các giải pháp được đề xuất để thu hồi tài sản tham nhũng.
- 23-12-2014Muốn chống tham nhũng phải minh bạch thông tin
- 10-12-2014Sẽ tăng thảo luận chống tham nhũng ODA
- 06-12-2014Tổng Bí thư: Không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng
- 30-11-2014Xây dựng hệ thống pháp luật - công cụ quan trọng nhất chống tham nhũng
Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn nói: “Thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng, là vấn đề xã hội đang rất quan tâm, đồng thời là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng”.
Tội phạm tham nhũng chuẩn bị chu đáo khi phạm tội
* Vì sao Ban Nội chính đặt vấn đề nghiên cứu thu hồi tài sản tham nhũng?
- Trong những năm qua, tình hình tham nhũng được đánh giá vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, trong đó việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp. Hiện nay chưa có thống kê đầy đủ, bước đầu qua báo cáo của các cơ quan chức năng năm 2013, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi đạt chưa đến 10%, năm 2014 là trên 22%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì trên thực tế tỉ lệ còn thấp hơn nhiều. Đây là vấn đề mà Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp khó khăn.
Từ thực tế trên, chúng tôi nhận thức rằng thu hồi tài sản tham nhũng giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho xã hội, cho đất nước; hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế hay nói nôm na là mục đích làm giàu của tội phạm tham nhũng. Trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, bên cạnh việc quan tâm đến mức độ nghiêm minh của hình phạt, dư luận xã hội cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tích cực áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng ở mức cao nhất.
Ví dụ như trong vụ án xảy ra tại Vinalines, tòa đã tuyên thu hồi tài sản, kể cả đối với hai căn hộ mà Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có đủ tài liệu chứng minh Dương Chí Dũng đã dùng tiền do phạm tội mà có mua cho “bồ nhí”. Việc thu hồi tài sản như vậy rõ ràng được dư luận ủng hộ.
Vì vậy, Ban Nội chính trung ương tổ chức nghiên cứu chuyên đề về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, với mong muốn phát hiện những vấn đề còn hạn chế, bất cập từ khía cạnh lý luận, thực tiễn, các cơ sở chính trị, pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và điều kiện Việt Nam... Từ đó tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng các quan điểm, chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng.
* Thu hồi tài sản tham nhũng là việc đương nhiên phải làm, vì sao tỉ lệ thu hồi lâu nay lại thấp như vậy?
- Có rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chiếm đoạt tiền, Như dùng rất nhiều tiền chi tiêu phục vụ cho cá nhân như: mua tài sản, cho tặng người thân, đi du lịch nhiều quốc gia trên thế giới, xuất cảnh đi Mỹ. Hoặc Lã Thị Kim Oanh trước đây có thói quen đi đến đâu cũng cho tiền một cách rất dễ dãi, theo đó rất khó thu thập chứng từ, chứng cứ; hoặc tài sản được hình thành từ nguồn gốc tham nhũng đã được chuyển hóa hoặc đứng tên người khác, khó chứng minh nên rất khó thu hồi.
Tất nhiên đây chỉ là ví dụ để cho thấy tính phức tạp của vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án nói chung. Có ý kiến ví von rằng tài sản tham nhũng như “cốc nước đã đổ đi, hốt lại rất khó đầy”. Khó nhưng không thể không làm, và chúng tôi cho rằng phải làm ở mức độ cao nhất có thể.
Trong số những vấn đề rút ra, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được 11 nguyên nhân cơ bản. Đầu tiên là xuất phát từ đặc điểm của chủ thể có hành vi tham nhũng, đây là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội, khi thực hiện xong chủ động xóa hết mọi dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ, cất giấu, tẩu tán tài sản...
Nhiều vụ án rất khó cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi có hiện tượng tham nhũng tập thể, các đối tượng bằng nhiều hình thức đã chuyển tài sản chung thành tài sản riêng của một nhóm người có liên quan. Cho nên tham nhũng được xếp vào nhóm tội có “xu hướng ẩn” rất cao.
Ngoài ra, nhiều đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng tài sản tham nhũng. Do vậy, các đối tượng này luôn bất hợp tác với cơ quan tố tụng. Có một số trường hợp người phạm tội cho là dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, giữ bằng được tài sản tham nhũng để thụ hưởng.
Một nguyên nhân khác là trong quá trình tố tụng, nhiều trường hợp các cơ quan tố tụng chưa chú ý, không kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật (biện pháp tư pháp, biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản, kê biên, tạm giữ, cấm dịch chuyển tài sản của bị can, bị cáo) dẫn đến người phạm tội và người thân của họ có thời gian, điều kiện hợp pháp hóa hoặc tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi sau này...
“Chặn từ gốc”
* Tội phạm tham nhũng còn có thể cất giấu tài sản ở nước ngoài, khi đó thu hồi càng khó?
- Đúng vậy. Hiện nay nhiều quốc gia sử dụng bốn phương thức cơ bản để thu hồi tài sản. Một là thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Hai là thu hồi không dựa trên kết án hình sự. Ba là thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính. Bốn là kiện dân sự để thu hồi tài sản.
Trong việc thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự, nếu tài sản tham nhũng đang ở quốc gia khác, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia kết án sẽ cần sự tương trợ tư pháp từ nước có tài sản tham nhũng. Nếu có hiệp định tương trợ tư pháp, có thể yêu cầu quốc gia nơi có tài sản tham nhũng công nhận trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định này. Quốc gia có tài sản của người tham nhũng cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác nhận nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản tham nhũng cho quốc gia có yêu cầu.
Như vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Cùng với đó, muốn nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, chúng ta cần đi từ gốc của vấn đề, khắc phục các bất cập của quy định pháp luật trong nước, sớm hoàn thiện và triển khai đề án “Kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn” và rộng ra là toàn xã hội, khắc phục “văn hóa sử dụng tiền mặt”... Gốc ở đây nghĩa là chặn từ trong nước.
* Ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội):
Ngăn chặn “hi sinh đời bố, củng cố đời con”
Khi nói đến thu hồi tài sản tham nhũng, nhiều ý kiến băn khoăn Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tài sản của công dân, mà tài sản thì có thể chuyển từ sở hữu này sang sở hữu khác nên không dễ “đụng” vào. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng Hiến pháp và pháp luật chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân, còn tài sản không hợp pháp dĩ nhiên không được bảo hộ. Tiếp cận vấn đề như vậy sẽ thấy rằng tài sản bất hợp pháp, tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì cơ quan chức năng có quyền xử lý theo quy định pháp luật, bao gồm cả việc thu hồi và tịch thu.
Ở ta vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội nói chung cũng như đối với những người có chức vụ, quyền hạn nói riêng còn nhiều bất cập. Tài sản rất dễ rơi vào trạng thái không rạch ròi, của chồng cho vợ, bố cho con..., tài sản ngoài thống kê và kiểm soát của cơ quan chức năng rất lớn.
Muốn làm tốt công việc thu hồi tài sản tham nhũng, trước hết phải làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội. Khi kiểm soát tốt rồi thì việc phân định đâu là tài sản hợp pháp được pháp luật bảo hộ, đâu là tài sản bất hợp pháp sẽ thuận lợi hơn.
Một vấn đề cần lưu ý là tham nhũng thuộc nhóm tội về kinh tế, phải chú trọng khía cạnh kinh tế. Vì vậy nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính trung ương đã có đề xuất nếu tội phạm tham nhũng nộp lại tiền, khắc phục hết hậu quả thì nên được miễn, giảm xử lý hình sự, chuyển sang xử lý hành chính. Vì tiền, vì tham muốn một cuộc sống giàu có cho gia đình, có những tội phạm tham nhũng sẽ không ngần ngại “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Chúng ta phải ngăn chặn xu hướng này bằng cách đánh mạnh vào kinh tế.
* TS Đào Lệ Thu (Đại học Luật Hà Nội):
Nên huy động cơ quan thuế vào cuộc
Các nước họ đặc biệt coi trọng hoạt động của cơ quan thuế. Ví dụ, tôi không chứng minh được đó là tài sản tham nhũng và không áp dụng chế tài hình sự, nhưng cơ quan thuế có thể hỏi tài sản kê khai để đóng thuế của anh lâu nay rất khiêm tốn, sao bây giờ lại có khối tài sản lớn như thế này? Nếu đối tượng không giải thích được, lúc đó cơ quan thuế sẽ đưa ra chế tài chứ không phải cơ quan phòng chống tham nhũng.
Như vậy, nếu chúng ta nhìn rộng ra từ góc độ kiểm soát thu nhập, tài sản và sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng khác nhau thì vẫn đạt hiệu quả thu hồi tài sản bất hợp pháp về cho Nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những điều kiện tiên quyết để đấu tranh triệt để với hành vi tham nhũng, thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả.
Theo VÕ VĂN THÀNH