Tinh giản biên chế: Tránh tình trạng "ăn theo, nói leo"
“Khi chúng ta chuẩn bị Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, đặt ra vấn đề này, tôi rất lo rằng có những nơi vì để tranh thủ lá phiếu sẽ làm không triệt để”.
- 07-05-2015Tinh giản 10% biên chế có khả thi hay không là do người đứng đầu
- 06-05-2015Tinh giản biên chế: Phải xóa tư tưởng không giảm 'con ông cháu cha'
- 20-04-2015Nội dung chính Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế
- 22-03-2015Xã hội hóa một số lĩnh vực công để thực hiện tinh giản biên chế
- 22-03-20156 giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nghị quyết nhấn mạnh nội dung có các biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc…
Người "cầm cân nảy mực" phải công tâm
Quan tâm đến Nghị quyết này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam cho biết, ông đã đọc kỹ Nghị quyết này và rất nhất trí với phần đánh giá tình hình, nhận xét ưu khuyết điểm, đề ra mục tiêu, giải pháp của Bộ Chính trị.
ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam
Theo ông Nguyễn Túc, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có những thành tựu ban đầu rất quan trọng. Chính đội ngũ cán bộ đã góp phần vào thành công trong đổi mới đất nước. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ hiện nay phát triển quá nhu cầu. Cán bộ chủ yếu do dân nuôi, đội ngũ cán bộ quá đông so với yêu cầu cần có lại tạo nên trở ngại cho dân vì trong đội ngũ này, không phải ai cũng làm được việc, số cán bộ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” vẫn còn tồn tại không ít. Cũng vì đội ngũ cán bộ quá đông, nên tình trạng quan liêu, bao cấp, hành dân cũng xuất hiện.
“Hội nghị liên tịch hàng năm giữa MQTT Việt Nam với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội… cũng nhận định đội ngũ cán bộ của chúng ta đông nhưng không mạnh. Từ chỗ cán bộ không mạnh dẫn đến tình trạng nhiều chủ trương, chính sách, nhiều hướng dẫn rất xa với thực tế cuộc sống và làm cho dân không thực hiện được. Việc Bộ Chính trị đưa ra Nghị quyết 39 là hoàn toàn phù hợp với thực tế yêu cầu, giải quyết bức xúc hiện nay của các tầng lớp nhân dân”- ông Túc nói.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, không phải lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Hầu như qua mỗi thời kỳ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đều đặt ra vấn đề này. Mỗi kỳ đặt ra đều có sự chuyển biến nhất định nhưng sau một thời gian, theo nhận định của nhiều người thì tình hình lại trở lại như cũ. Vì thế, việc ra Nghị quyết đã khó, nhưng khó hơn là việc thực thi Nghị quyết. Thực thi Nghị quyết đòi hỏi người "cầm cân nảy mực" phải công tâm mới có hiệu quả.
E ngại vì tranh thủ lá phiếu, có nơi sẽ làm không triệt để
“Qua thực tế cho thấy, có nhiều Nghị quyết không được thực hiện đến nơi đến chốn. Nguyên nhân của việc này có tư tưởng cả nể, hoặc vì lợi ích và tránh va chạm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi chúng ta chuẩn bị Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, đặt ra vấn đề này, tôi rất lo rằng có những cấp ủy, có những nơi, có những người vì để tranh thủ lá phiếu sẽ làm không triệt để. Hiện nay, trong suy nghĩ nhiều người về công tác cán bộ vẫn bị hằn sâu duy nghĩ “nhất thân, nhì ngân, tam quyền, tứ chế”…. Tôi mong với nội dung cương quyết như Bộ Chính trị đưa ra, chúng ta phải xóa cho được suy nghĩ này”- ông Nguyễn Túc nói.
Theo ông Nguyễn Túc, làm tốt vấn đề tinh giản, đánh giá cán bộ thì sẽ giải quyết được tình trạng “con ông cháu cha”, bao che cho nhau, tìm mọi cách đưa người thân vào trong bộ máy. Thậm chí cả những trường hợp sắp về hưu cũng tìm cách đưa những người không đạt yêu cầu nhưng hợp “cánh” với mình vào trong bộ máy Nhà nước; đồng thời tinh giản những người có năng lực nhưng không “ưa” với mình, như một số trường hợp đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
“Và điều này những người có trách nhiệm cần phải quán triệt để tránh lặp lại tình trạng như đã từng xảy ra”-ông Túc nói.
Về việc thực hiện Nghị quyết 39 đối với tổ chức Mặt trận, ông Nguyễn Túc cho rằng, cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp không nhiều, nên việc tinh giản biên chế và đổi mới cán bộ đối với Mặt trận không nặng nề như những bộ phận khác, ngành khác trong hệ thống chính trị, nhưng vẫn phải quan tâm.
“Vấn đề chính không phải là tinh giản mà vấn đề chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Làm sao để bản lĩnh của đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay được nâng lên đúng với yêu cầu, để hoạt động mặt trận ngày càng được nâng cao, góp phần của Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, góp phần vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Tránh tình trạng “ăn theo, nói leo” mà hiện nay chúng ta vẫn thường gặp trong một số cán bộ lãnh đạo. Quan trọng nhất là làm sao thể hiện được tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, để cán bộ Mặt trận không nhiều nhưng quy tụ được trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là trách nhiệm của Mặt trận trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”- ông Nguyễn Túc nói.
>>>Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế: Dư luận nói gì?
Theo Minh Hòa